"Cơm nhà vẫn hơn"

Cập nhật, 11:16, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Cuộc sống ngày càng bận rộn, nhịp sống ngày một hối hả, xã hội luôn phát triển và cấu trúc gia đình cũng đã khác xưa, nhưng “bếp lửa” vẫn giữ vai trò quan trọng trong mái ấm gia đình.

Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.

Đừng “đánh rơi” bữa cơm gia đình

Bữa cơm sum vầy các thành viên trong gia đình- chính là gương soi hạnh phúc của tổ ấm. Trong nhịp sống hiện đại, bữa cơm nhà là món quà hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

Có gia đình mà các thành viên cả tuần không ăn cơm nhà đã trở thành bình thường. Công việc bận rộn với nhiều áp lực khiến nhiều người không thể dành đủ thời gian cùng ăn tối với gia đình. Mặt khác, do hệ thống dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển, chỉ cần bước chân ra đường là quán xá khắp nơi, chỉ cần “a lô” là “cơm văn phòng”, thức ăn sẵn “ship” tận nơi…

Chị Hồng Hạnh (Phường 4- TP Vĩnh Long) kể, chồng chị làm kinh doanh ở TP Cần Thơ, nên cả nhà thường có bữa cơm sum họp vào cuối tuần. Song, có khi anh đi công tác hay có khách thì coi như cơm nhà vắng mặt ba.

Công việc của chị ở ngân hàng cũng nhiều áp lực nên 3 mẹ con thỉnh thoảng cũng… ăn bụi. “Tôi thường đi chợ mua thức ăn cho cả tuần, do nấu ăn tôi cũng không khéo lại tốn nhiều thời gian nên đôi khi ăn ngoài để tôi còn thời gian chơi cùng con, dạy con học”- chị Hạnh nói.

Lập gia đình hơn năm, anh Trần Đăng Khôi (TP Hồ Chí Minh) nói thỉnh thoảng lắm anh mới được cô vợ trẻ chịu cùng vô bếp nấu ăn.

“Trưa cơm văn phòng đã đành rồi, chiều về anh thì thích vợ chồng cùng nấu ăn vừa vui vừa đủ dinh dưỡng nhưng cô ấy bảo… em không thích nấu ăn, chuyện cơm nước là “xưa rồi”, ngày nay phụ nữ có thể giải phóng cho mình và cho chồng bằng cách ra tiệm mà ăn, còn thời gian vợ chồng đi học thêm hay xem phim, cà phê, dạo phố”.

Rồi anh tiếp lời: “Nhưng ăn ngoài riết cũng ngán. Muốn ăn cơm, tôi phải lãnh phần nấu, tôi hy vọng có con rồi, cô ấy sẽ chăm chút, vén khéo chuyện bếp núc hơn”.

Bữa cơm gia đình là lúc xả stress, cả nhà “tiểu kết” một ngày làm việc, học tập, nạp năng lượng từ tổ ấm để chuẩn bị bước vào ngày mới. Nhưng điện thoại thông minh, iPad cũng chen vào đời sống, nó chia rẽ gia đình ngay trong bữa ăn.

Thay vì con cái nói chuyện với cha mẹ thì vừa ăn vừa lướt “phây” rồi mỗi người cắm mặt vào thế giới riêng của mình, đang ở trong nhà với người thân mà trò chuyện với người ngoài.

Sự xa cách đó cứ lớn dần lên, đến một lúc mỗi người không còn thấy có nhu cầu trò chuyện với nhau, ăn cơm với nhau. Nếu có một bữa cơm chung thì tranh thủ cho xong, không tha thiết dành thời gian cho cha mẹ, cho con cái nữa.

Và hệ quả tất yếu của sự thiếu gắn kết ấy là những đứa con loay hoay không biết làm gì với những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống; tình cảm vợ chồng cũng nhạt dần vì thiếu sự sẻ chia; còn người lớn tuổi trong gia đình như lui vào thế giới riêng vì sự hỏi han quan tâm của con cháu ngày càng thưa thớt.

Chợ khéo cơm ngon

Thiếu vắng bữa cơm gia đình cũng chính là mất đi một cơ hội để các thành viên chia sẻ những vui buồn thường nhật đồng thời cũng mất đi một dịp để cha mẹ dạy bảo, tâm tình cùng con cái...

Dù nhà trọ hay nhà riêng… cái bếp có lửa do người phụ nữ ân cần nấu nướng rồi chồng con xúm xít mỗi người một tay mới đích thực là tổ ấm. Căn bếp chính là trái tim mỗi người, bếp mà nguội lạnh thì gia đình sẽ chẳng ấm êm.

Với gia đình cô Nguyễn Thu Vân, dù có bận bịu mấy cũng phải nấu cơm ít nhất là một lần trong ngày. Sáng cô đi chợ sớm, mua thức ăn tươi ngon về sơ chế cho vào tủ lạnh để trưa về, cả nhà cùng vào bếp.

“Chú lặt rau, 2 con đi học về cũng phụ ba mẹ rửa rau, dọn chén. Cô lãnh phần nấu. Giờ con trai lớn của cô du học bên Đức, con hay nói cô chụp hình bữa cơm mẹ nấu nhìn cho đỡ thèm, bữa nào cô nấu bò kho là thằng bé xuýt xoa thèm quá mẹ ơi. Con gái thì mê tít cánh gà chiên nước mắm, vịt kho gừng. Chú thì món nào cô nấu cũng khen ngon. Cô vui lắm!”

Vị ngon của bữa cơm còn thêm đượm từ chính lời nói của mỗi người. Cô Nguyễn Cẩm Linh (Phường 5- TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Xưa nhà đông con nhưng trong bữa cơm tôi chưa thấy không khí căng thẳng bao giờ. Má tôi chăm chút tẩn mẩn nấu đủ món bởi đứa thích canh rau, đứa thích canh bầu, đứa khoái trứng chiên, đứa ghiền kho quẹt…

Có lẽ nhờ thế mà mọi người ai cũng ngon miệng, dù chỉ là rau dưa đạm bạc. Lúc chuẩn bị giờ cơm, thấy có ai hổng vui má tôi thường nói “trời đánh tránh bữa ăn” là anh em tôi... nguội liền”.

“Ta về ta chén cơm ta/ Dẫu hơi quá lửa cơm nhà vẫn hơn”- câu “lẫy ca dao vui” như một lời nhắc nhở, những bước chân nhớ quay về dù cho có bận trăm công ngàn việc, dù có cơm khách, tiệc tùng “ngoài kia” vui vẻ mấy, thì cũng không đâu ấm áp yêu thương bằng những bữa cơm nhà.

Tự bao đời nay, cơm nhà trở thành một sợi dây thắt chặt tình thân, giữ hạnh phúc gia đình. Bữa cơm nhà, không chỉ cùng cảm nhận vị ngon miệng mà còn là “vị ngọt” làm đầy thêm những yêu thương

Bữa cơm gia đình sẽ ấm áp yêu thương, việc vào bếp sẽ luôn tràn đầy hứng khởi nếu chúng ta thật sự yêu quý gia đình và mong muốn đem lại bữa ăn ngon, sức khỏe tốt cho người thân. Niềm hạnh phúc giản dị của mỗi gia đình nhiều khi chỉ đơn giản là được vào bếp cùng nhau để làm nên một bữa ăn đậm tình yêu thương.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN