Câu chuyện nông thôn

Nước mắt nhà nông

Cập nhật, 08:13, Thứ Tư, 16/08/2017 (GMT+7)

Dường như nhà nông vốn ít khóc, cho nên mỗi khi họ rơi nước mắt thì chuyện lớn rồi. Hai Lúa tui mới từ Long An về, có dịp tâm sự với một nông dân dám cầm bạc trăm triệu lên miệt Đồng Tháp Mười thuê đất trồng lúa. 2 năm thắng lợi, ông mua được 5 công đất mần ăn và tiếp tục thuê 20ha trồng lúa.

Lũ về đột ngột, mỗi ngày lên độ 5 tấc nước. Đám ruộng thuê nằm ngoài đê bao quằn quại ngập lũ, nông dân cũng đứt ruột đứt gan. Ông nói chuyện, những giọt nước mắt chực rơi, rồi rơi thật: “Đời tôi coi như hết rồi! Bán 5 công đất trả tiền thuê 20ha này, còn thiếu tiền phân thuốc… Mai mốt đi mần mướn trả nợ, sống qua ngày”.

Tui lại nhớ câu chuyện của một lão nông ở xã Chánh An (Mang Thít) tỉnh mình, về cái lần nhãn Ido bị bão quần nằm sát rạt, trái nhãn rụng như vải trấu, “giấy đỏ” đã gửi ngân hàng; ông cũng ngửa mặt lên trời mà kêu khóc. Nhưng rồi ông cũng vực dậy được vườn nhãn của mình. Không phụ công vun trồng, vườn nhãn giúp ông vang danh “tỷ phú nhãn Miền Tây”.

Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua, nông dân mình nếu bỏ cuộc thì chắc chắn đã thua rồi. Nhưng nếu cố gắng phấn đấu tiếp thì vẫn còn cơ hội. Hai Lúa nghĩ, làm nông còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu,… nên nhà nông mình cũng cần kiến thức tự bảo vệ mình, giảm bớt rủi ro. Ví dụ như thuê đất trong đê bao để đảm bảo an toàn hơn, trồng giống lúa ngắn ngày né lũ hoặc trồng bất cứ một loại cây trồng nào khác để tránh lũ.

Nước mắt rơi là để vơi bớt nỗi buồn và cố gắng hơn nữa trong tương lai. Nước mắt rơi không phải vì chịu thua, đầu hàng số phận mà Hai Lúa tui tin rằng, số phận là do mình cố gắng mà nên.

Hailua@yahoo.com