Thắm đậm nghĩa tình 3 dân tộc

Cập nhật, 09:40, Thứ Hai, 08/02/2016 (GMT+7)

Bao đời nay, mối đoàn kết 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer luôn chan hòa, thắm đượm. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc tạo sự bình đẳng, hòa nhập trong mọi lĩnh vực, cùng sống, cùng chia sẻ, cùng tiến bộ, tạo nên truyền thống tốt đẹp lâu bền.

Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách hướng đến chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách hướng đến chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người dân tộc.

Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Ông Lê Chí Toàn- Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Chúng ta sống đan xen giữa 3 dân tộc, tình đoàn kết thể hiện từ trong kháng chiến đến hòa bình, cả trong lao động sản xuất, giữ an ninh trật tự, trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và trong xây dựng nông thôn mới”.

Xã Loan Mỹ (Tam Bình) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cũng là điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện toàn xã có 5/12 ấp văn hóa. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc Khmer, từ xã, huyện đến tỉnh đều tổ chức các đoàn đi viếng chùa, thăm và tặng quà gia đình chính sách; hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi tại các điểm chùa.

Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer được trình diễn tại các lễ hội.
Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer được trình diễn tại các lễ hội.

Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, ngày tết của dân tộc nào thì mọi người cũng đều chúc tết lẫn nhau. Đối với đồng bào dân tộc Khmer đi làm ăn xa thì ngày tết cổ truyền của người Kinh cũng được xem là ngày tết của bà con, vì họ có nhiều thời gian sum họp gia đình, cùng nấu những món ăn ngon.

Ấp Tổng Hưng là 1 trong 6 ấp có đông đồng bào dân tộc với 232 hộ, vừa được công nhận là ấp văn hóa. Ông Nguyễn Thành Tấn- Trưởng ấp cho biết, các chương trình xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới được bà con dân tộc đồng tình ủng hộ cao.

Vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân địa phương tới dự rất đông. Bà Thạch Thị Sen- người dân trong ấp- chia sẻ: “Vợ chồng tui làm sui với người Kinh. Trong sinh hoạt đời sống cũng như trong ăn uống, ngôn ngữ không có sự trở ngại. Tết của người Kinh, gia đình tôi đều được mời đến, chơi tết rất vui”.

Với tinh thần đoàn kết, hòa đồng, tôn trọng tín ngưỡng của nhau, ngày lễ tết của người Kinh, Hoa và người Khmer đều chung vui, chúc tụng lẫn nhau, cùng treo cờ Tổ quốc và vui xuân đón tết.

Rộn ràng lễ hội 3 dân tộc

Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) là một địa điểm nổi bật về sinh hoạt văn hóa đoàn kết 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer. Ông Nguyễn Văn Phước- thành viên Ban Quản lý di tích cho biết: “Hàng năm, có 2 lễ hội lớn là giỗ Ông (mùng 4/1 âm lịch), giỗ Bà (mùng 7/2 âm lịch).

Xã Loan Mỹ là một điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc.
Xã Loan Mỹ là một điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc.

Do giỗ Ông trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên được tổ chức rất lớn, từ 30 tháng Chạp là vô hội, kéo dài đến mùng 5 tháng Giêng. Trong các ngày này, hàng ngàn người Kinh, Hoa, Khmer cùng về tham dự. Lễ giỗ Ông Thống chế còn mang ý nghĩa là lễ cầu phước vào những ngày đầu xuân và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn”.

Điểm đặc biệt ở đây là sự tập hợp cả 3 dân tộc với sự đoàn kết, đồng lòng cùng nhau tổ chức. Người dân xem ông là vị thần linh bảo hộ, một vị Tiền hiền, còn người Hoa xem ông như “ông Bổn” ở địa phương. Chính vì vậy, người dân đến viếng, dâng hương hầu như quanh năm.

Hàng năm, lễ giỗ Ông được tổ chức trang nghiêm theo nghi thức lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc gồm có tế lễ, rước sắc, múa lân, múa rồng. Nam thanh nữ tú chơi trò chơi dân gian, các chương trình văn nghệ có trình diễn nhạc ngũ âm, trống sa dăm do đoàn ca nhạc dân tộc Khmer biểu diễn; còn dân tộc Hoa thì hát tò lầu cấu, hát bội; người Kinh thì có nhạc cổ truyền, cúng lễ, hát tuồng. Phần lễ thì có các hoạt động cúng tế, dâng hương, có các sư Khmer cầu quốc thái dân an.

Hòa quyện trong văn hóa ẩm thực

Món bún cá của người Kinh và người Khmer có những điểm tương đồng và những điểm rất riêng.
Món bún cá của người Kinh và người Khmer có những điểm tương đồng và những điểm rất riêng.

Văn hóa ẩm thực cũng thể hiện sự hội nhập, hòa quyện với nhau giữa các dân tộc. Hàng năm, Vĩnh Long đều có tổ chức ngày hội văn hóa thể thao và ẩm thực nhân các dịp tết của đồng bào dân tộc, tổ chức các hội thi nấu món ngon của cả 3 dân tộc, tạo sân chơi lành mạnh, thắt chặt tình hữu nghị.

Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, vì sống cùng nhau nên hầu như trong các món ăn của dân tộc nào cũng đều “lai lai” nhau. Người Hoa và người Khmer có thể nấu kiểu truyền thống, món ăn truyền thống, nhưng vẫn sử dụng một phần gia vị của người Kinh. Nét riêng của người Khmer là hầu hết các món ăn đều có nêm mắm bò hóc, đây được xem là gia vị đặc trưng, không thể thiếu.

Còn với người Hoa thì chế biến thức ăn thường có nhiều dầu mỡ, nếu như trước đây họ thường chấm nước tương, thì nay cũng dùng nước mắm. Người Kinh vẫn nấu và ăn hàng ngày những món ăn của người Khmer và người Hoa như món bún nước lèo, sủi cảo, mì vịt tiềm,…

Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, ngày hội văn hóa thể thao, ẩm thực hàng năm đã tạo nên sân chơi lý thú, để cả 3 dân tộc cùng nhau giới thiệu nét truyền thống văn hóa, thể hiện sự hòa nhịp, sự đoàn kết, quan tâm của người Kinh với các dân tộc anh em Hoa, Khmer. l

BÀI, ẢNH: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI