Bút ký

Huyền tích hòn Sơn

Cập nhật, 05:36, Thứ Ba, 14/07/2020 (GMT+7)

… “Bãi Nhà, bãi Bấc gió đưa

Lên Ma Thiên Lãnh cho vừa lòng em

Tình anh chôn chặt Đá Bàng

Bắt con ốc biển đền bù cho ai?”...

Theo ý một bài thơ đã được khắc lên thớt đá của đỉnh Đề Thơ- nơi Vua Gia Long đã từng bôn ba qua đây, cách nay hơn 200 năm, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình đến thăm xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải- Kiên Giang).

Đoàn chúng tôi là đoàn sáng tác thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long, với 33 cán bộ sáng tác 6 chuyên ngành văn học nghệ thuật: văn học, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, múa và âm nhạc.

Tuy nhiên các bạn biết không, để mua được vé tàu thì cần phải có giấy chứng minh nhân dân và bản khai sức khỏe y tế. Vì hòn Sơn là một hòn du lịch thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, cho nên an ninh được kiểm soát rất là nghiêm ngặt.

Từ bến tàu TP Rạch Giá, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi tàu, chúng tôi đến được xã hòn xinh đẹp nổi tiếng bởi khung cảnh thơ mộng, thanh bình với những bãi biển thơ mộng hoang sơ.

***

Xã đảo Lại Sơn nằm giữa hòn Tre và quần đảo Nam Du cách TP Rạch Giá 65km về phía Tây, có diện tích gần 11km2.

Ngoài đỉnh Ma Thiên Lãnh, đỉnh Đề Thơ huyền bí, ở Lại Sơn còn biết bao câu chuyện cũng không kém phần hấp dẫn cho du khách khi đến miền biển đảo thân yêu này. Ngay như tên gọi của hòn cũng xuất phát từ những giai thoại khác nhau.

Tương truyền năm 1777, Chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) trôi dạt đến đây trong lúc binh sĩ không tìm thấy lương thực, thì bất ngờ một con rái cá xuất hiện bắt cá, tôm dâng lên chúa, nên tên gọi hòn Sơn Rái ra đời từ đó.

Một câu chuyện khác ghi nhận rằng, khi những cư dân đầu tiên đến định cư ở nơi đây, thì thấy cây rái mọc thành rừng nên người dân dùng nhựa của loại cây này trét ghe thuyền chống thấm, nên nơi đây mới có tên là hòn Sơn Rái.

Những câu chuyện dân gian nhuốm màu huyền thoại ấy luôn khơi gợi sự thú vị cho những ai ngày đầu đến nơi này.

Và, để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống ở hòn Sơn thì chúng tôi đã tìm gặp một người dân cố cựu ở trên hòn- bác Hai Xương (Phạm Văn Xương).

- Dạ, tôi biết bác Hai sống ở đây rất nhiều năm, bác có thể kể cho chúng tôi nghe các câu chuyện ở trên đây như thế nào không ạ?

- Hồi đó tôi ra đây thì cũng sống bằng nghề câu thẻ. Khi đó nhân dân ở đây sống về nghề biển đã nhiều. Có người làm nghề biển, có người làm nghề rẫy và số khác làm nghề nước mắm…

- Sao ở đây lại gọi là hòn Sơn hay hòn Sơn Rái vậy bác?

- Cũng như truyền thuyết người ta kể lại thôi. Hồi đó quân Tây Sơn rượt vua Gia Long chạy ra đây, mà lương thực cho quân lính ăn đã cạn kiệt, thì bỗng có một bầy rái cá xuất hiện. Nó bèn bắt tôm cá rồi bỏ dài dài từ bãi Nhà qua bãi Bấc…

- Tức là con rái cá ven biển này phải hông bác?

- Con rái cá, kỳ lạ chỗ là hổng có dấu chân. Chỉ thấy dấu rái lăn không hà. Biết vậy, nên ổng mới phong cho chức là “Lang Lại Đại tướng quân”.

Ổng đặt đây là hòn Sơn Rái. Ở đây, gồm có 7 ngọn đồi, nhưng mà 2 bên là 2 ngọn đồi cao, ở giữa thung lũng có 2 cây lâm vồ nhỏ, mà mấy hòn đảo đó đẹp lắm. Mới lên đó, ổng mới đục đá, đề thơ và đặt tên đỉnh núi ấy là đỉnh Đề Thơ.

- Ở đây, bác Hai ngoài trồng rẫy, bác có chăn nuôi hay trồng trọt gì hông bác Hai?

- Cũng có nuôi chớ. Bác Hai nuôi gà. Cho ăn toàn dừa khô không hà. Vì ở đây đâu có lúa mà cho nó ăn.

- Mà sao không thấy gà hay chuồng gà đâu hết vậy bác Hai?

- Gà ở đây là dạng gà thả vườn, thả lang vậy đó. Tới bữa ăn thì bác bằm dừa khô cho nó ăn. Sáng cho ăn rồi 3- 4 giờ là nó gom về ăn, ăn rồi nó bay lên cây ngủ. Rồi nó đẻ thì cũng vòng vòng quanh nhà, quanh vườn không hà.

- Như nãy giờ tôi nghe bác Hai kể, thích quá hà. Vậy ngày mai bác Hai dẫn tôi lên đỉnh Đề Thơ để tôi coi bài thơ của vua Gia Long, nghe bác Hai.

- Ờ được. Vậy ngày mai mình khởi hành lên đỉnh Đề Thơ.

***

Sau khi đến thăm nhà bác Hai Xương, tôi đến thăm gia đình anh Đức.

- Anh ở hòn Sơn được bao nhiêu năm rồi anh?

- Tôi ở đây từ hồi cha sanh mẹ đẻ. Quê ông bà nội cũng ở đây luôn.

- Đường sá đi lại trên hòn thế nào anh?

- Xưa, thì phương tiện nó khó khăn hơn bây giờ. Điện, đường, trường, trạm chưa là gì cả. Bây giờ thì đầy đủ hết. Ở trên rẫy cũng kéo điện lên được luôn. Hòn Sơn thì có 2 đường chính, trong đó có con đường xuyên đảo xuyên qua bãi Bấc. Còn lộ dưới thì đi quanh đảo.

- Đường quanh đảo là tôi hiểu là đường chạy quanh hòn. Còn đường xuyên đảo là đường như thế nào?

- Đường xuyên đảo là đường cắt ngang núi chạy hẳn qua bên bãi Bấc. Hòn Sơn thì nó có khá nhiều bãi, trong đó có các bãi lớn như bãi Giếng, bãi Nhà, bãi Bấc, bãi Đá...

Qua tìm hiểu thêm, tôi biết Lại Sơn có quá trình hình thành và phát triển dân cư cách đây trên 100 năm. Một số cư dân từ miền Trung, miền Đông- Nam Bộ xuôi về miền Tây và ra hòn sinh sống. Họ mang theo một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt và lưu truyền cho đến hôm nay. 

Đó là tục thờ bà Chúa Xứ và thờ Cá Ông, những linh vị được xem là thần hộ mệnh cho dân chài vốn lúc nào cũng đối mặt với sóng to, gió lớn.

Miếu Bà Cố Chủ và đình thần Nam Hải là 2 di tích văn hóa mà khi đến xã hòn Lại Sơn du khách không thể bỏ qua.

Đặc biệt, miếu Bà Cố Chủ được xây dựng cách đây gần 90 năm và thờ một người thuộc lớp cư dân đầu tiên đến đây khẩn hoang, lập nghiệp.

Nhiều vị cao niên sống trên hòn kể rằng, gia đình bà Tăng Thị Thú làm ăn phát đạt, rất giàu có, nhưng sống chan hòa và hay giúp đỡ dân nghèo địa phương.

Bọn cướp biển thường đến quậy phá, cướp bóc, đòi bà phải đưa ra vàng bạc, bà kiên quyết chống lại, bọn chúng bắt bà đem xuống thuyền và thả xuống biển, nhưng bà bơi được vào bờ.

Sau nhiều lần như vậy, bọn chúng mới cột bà vào một tảng đá to và neo xuống biển. Mấy hôm sao không thấy bà nữa, trời lúc đó bỗng dưng nổi cơn giông bão dữ đội, nhấn chìm tàu thuyền bọn cướp biển.

Dân trên hòn cho rằng bà linh thiêng diệt trừ bọn cướp, dân chài thương tiếc đến lặn tìm xác bà. Nhưng mấy ngày trời không tìm thấy bà, họ mới lập miếu thờ để tưởng nhớ tấm lòng của bà đối với ngư dân làng biển trên hòn. Từ đó miếu bà là nơi sinh hoạt của dân chài trên hòn.

… Hòn Sơn về đêm tĩnh lặng. Chỉ riêng cầu cảng, khu khách sạn, nhà nghỉ là giữ được không khí nhộn nhịp, khi nhiều người tập trung ăn uống, trò chuyện. Những người bạn mới này đã cùng chúng tôi tạo nên một bữa tối rộn ràng tiếng nhạc, tiếng cười giảm bớt sự buồn tẻ của màn đêm.

Họ cũng như chúng tôi từ nhiều nơi khác đến thăm hòn Sơn- nhưng với họ, chủ yếu vì muốn khám phá nét hoang sơ, thuần khiết của núi và biển xứ này.

Còn chúng tôi, với nhiệm vụ chuyên môn là để thực tế sáng tác về biển đảo. Ngay lúc tùy hứng, nhà thơ Thái Hồng đã bày tỏ cảm xúc của mình về “hòn đảo ngọc” này, tuy cảm xúc “chưa trọn” nhưng biển rất “dịu dàng ôm choàng đá tảng”:

“Biển dịu dàng ôm choàng đá tảng

Gắn kết hẹn thề”…

“Em cùng anh dạo chơi

Con đường ven biển rực hoàng hôn song hát”…

“Nặng lòng với hòn Sơn

Thương lắm tóc dừa chải lược là mây trắng

Khi rời xa sẽ nhiều vương vấn

Bóng dừa nghiêng ru đá thức cùng trăng”.

Còn nhà thơ Văn Quốc Thanh thì bất chợt khi nghe ai đó hỏi “Em có về hòn Rái quê em?” mà trở thành nỗi nhớ, niềm yêu:

“Em có về hòn Rái quê em”

Nghe biển hát những lời ca tình tự

Sóng vẫn vỗ ngày đêm bên bãi Đá

Dáng dừa nằm nghiêng bóng che em”…

Một ngày của chúng tôi đã trôi qua, với những trải nghiệm vô cùng thú vị…

***

Bình minh có lẽ là thời khắc của tôi chờ đợi nhất. Như lời đã hứa bác Hai Xương dẫn chúng tôi lên đỉnh Đề Thơ, với hy vọng tìm thấy câu thơ của vua Gia Long khắc trên tảng đá trong những tháng ngày bôn ba ngang qua xứ này.

Khoảng 20 năm trước, ông Năm Sử- một đạo sĩ ăn chay hốt thuốc Nam và am hiểu tiếng Nôm ở xa tới- đã nhờ bác Hai dẫn lên đỉnh núi này để tìm và dịch bài thơ ra chữ quốc ngữ:

“Bãi Nhà, bãi Bấc gió đưa

Lên Ma Thiên Lãnh cho vừa lòng em

Tình anh chôn chặt Đá Bàng

Bắt con ốc biển đền bù cho ai?”...

Bài thơ đã được lưu truyền cho đến ngày nay, mặc dù nguồn gốc của nó vẫn còn “ẩn số”.

Ngay sáng hôm ấy, tôi đã có dịp theo chân bác Hai Xương lên đỉnh Đề Thơ, nơi Vua Gia Long đã từng khắc lên đá núi một bài thơ cách đây hơn 200 năm.

Tuy nhiên, tôi không may mắn thấy bài thơ hoàn chỉnh, bởi vì thời gian gần như xóa mờ vết tích để lại. Trên đó chỉ còn lại những vết khắc mờ dù rất là cố gắng phát các rễ cây trên đá để tìm đọc, nhưng mà vẫn không chứng kiến được một bài thơ hoàn chỉnh.

Tuy không thể thấy được trọn vẹn cái vết tích của Vua Gia Long để lại, nhưng mà tôi cảm thấy rất là mãn nguyện khi đứng trên đây, tôi có thể thấy được toàn cảnh của hòn Sơn.

Tại vị trí trên cao này, tôi có thể nhìn thấy được một bên là núi non trập trùng; một bên là biển cả và thậm chí thấy cả bến cảng, cầu tàu và những ngôi nhà ở trên bãi Bàng, bãi Bấc.

Đỉnh Đề Thơ thật sự là một nơi đáng để đặt chân đến nếu các bạn có dịp đến với hòn Sơn. Và, nhớ là phải có người dẫn đường nhé!

(Mời xem tiếp trên số báo VLCN)

NGUYỄN TRỌNG DŨNG