Thân thương chiếc khăn rằn Nam Bộ

Cập nhật, 16:47, Chủ Nhật, 12/07/2020 (GMT+7)

 

Chiếc khăn rằn giúp các cô gái che nắng khi làm nông.  Ảnh: LÊ HIẾU
Chiếc khăn rằn giúp các cô gái che nắng khi làm nông. Ảnh: LÊ HIẾU

Có nhiều loại khăn truyền thống cho tới ngày nay vẫn có sức quyến rũ bởi vẻ đẹp mộc mạc lại có phần bí ẩn. Trong rất nhiều loại khăn, không thể không nói đến khăn piêu của người Thái ở Tây Bắc, khăn rằn ở Nam Bộ và khăn mỏ quạ của phụ nữ Kinh Bắc... Và ai đó một lần đến vùng châu thổ sông Cửu Long chắc đã nghe câu hò ngọt lịm:

“Hò … ơ … Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái

Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba.

Mặc áo bà ba khăn rằn choàng cổ

Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ.

Nên muốn cùng ai thố lộ đôi lời

Cấy cày cực lắm em ơi.

Theo anh về vườn ăn trái.

Hò… ơ… theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no”.

Câu hò dung dị và mộc mạc ấy ngân lên nơi miền quê chín con sông, chẳng biết từ bao giờ đã khắc sâu vào tâm khảm của những người dân hiền hậu miệt vườn sông nước nơi đây. Như một hình ảnh giản dị mà cũng thật huyền thoại, chiếc khăn rằn đã trở thành biểu tượng của người dân Nam Bộ.

Vậy chiếc khăn rằn Nam Bộ có từ bao giờ? Điều này chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định chính xác là có từ lúc nào, chỉ biết từ lâu chiếc khăn rằn đã trở thành vật không thể thiếu của người dân vùng đất phương Nam.

Nhưng theo lời của những bậc cao niên thì chiếc khăn rằn Nam Bộ bắt nguồn từ khăn krama của người Khmer, do quá trình cộng cư cùng các dân tộc khác, chiếc khăn đã được thay đổi cho phù hợp, gần gũi và gắn liền với người dân miền sông nước Nam Bộ.

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào phía Nam dãy Hoành Sơn, người ta đã thấy người Khmer đội những chiếc khăn quấn thành vòng trên đầu. Rồi trong quá trình chung sống ở Nam Bộ, hòa nhập giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm…, chiếc khăn của người Khmer dần trở nên phổ biến.

Theo thời gian nó càng được lan truyền rộng rãi. Không chỉ người miền Tây Nam Bộ ưa thích, mà cả người Hà Nội, người Huế và khách nước ngoài đến Nam Bộ cũng thích chiếc khăn rằn.

Để làm ra chiếc khăn rằn hoàn chỉnh, người thợ phải tốn nhiều thời gian, bởi trải qua nhiều công đoạn, từ việc xả những cuộn chỉ lớn thành những búi nhỏ, cho chỉ vào nồi nhuộm màu rồi phơi trên giàn.

Sau đó, đến công đoạn lên bột hồ cho chỉ, quấn chỉ vào những con thoi đưa lên khung dệt, dệt thành những tấm khăn rằn hoàn chỉnh nối liền nhau, cuối cùng là cắt khăn rằn thành từng chiếc lẻ (người trong nghề gọi là “xé khăn”).

Trong suốt quá trình sản xuất khăn rằn, công đoạn lên hồ (bột hồ được lấy từ bột gạo) được xem là quan trọng nhất, bởi nó giúp những sợi chỉ cứng hơn, dễ dàng dệt khăn và khi dệt xong khăn rằn sẽ có độ cứng vừa phải, dễ gấp nếp; nhưng khi sử dụng, giặt qua nhiều lần lớp hồ trôi đi, khăn sẽ trở nên mềm mại; đó là một trong những đặc điểm vô cùng độc đáo của những chiếc khăn rằn.

Khăn rằn Nam Bộ không cầu kỳ, sặc sỡ mà chân phương, bình dị, khăn có dạng hình chữ nhật, dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40- 50cm. Chiếc khăn rằn thường có 2 màu đen và trắng hoặc nâu và trắng.

Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Khăn có ưu điểm bền chắc, mẫu mã đẹp, bắt mắt, thấm hút cao, lại nhanh khô phù hợp khí hậu Nam Bộ. Bên cạnh nét đẹp thẩm mỹ, khăn còn có nhiều tiện ích, thông dụng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ưa chuộng, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Khăn thường được dùng đội đầu, choàng cổ nên còn gọi  “khăn choàng” (người miền Tây gọi lệch là “khăn chàng”), cư dân vùng sông nước sử dụng khăn rằn khi tắm, quấn như xà rông để thay đồ nên gọi “khăn chàng tắm”.

Dù có nhiều tên gọi nhưng phổ biến nhất là “khăn rằn Nam Bộ”. Lúc đầu, khăn rằn dệt thủ công bằng tay, nên tạo họa tiết caro (là họa tiết đơn giản, dễ dệt nhất). Về sau, bên cạnh dệt thủ công, đã xuất hiện những khung dệt máy, tuy nhiên, họa tiết caro truyền thống vẫn được bảo lưu và chiếm vị trí độc tôn cho đến nay.

Khăn rằn ngày càng được cách điệu do sự thông dụng và được ưa chuộng của nó. Từ một chiếc khăn kẻ ô, với 2 màu đen trắng hoặc nâu trắng thường thấy, ngày nay đã được những người thợ “biến” thành đủ màu sắc, với nhiều kích cỡ, họa tiết caro lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, cách điệu cách nào, làm mới cách nào thì cũng không đi quá xa nguồn gốc. Chính vì thế, nó đã không bị làm hỏng, mà chỉ trở nên đẹp hơn.

Khăn rằn có thể dùng khi đi hội, khi làm việc trên ruộng đồng, ngày nóng cũng dùng che nắng, ngày mát trời thì quàng cổ. Nó là vật dụng tiện lợi và thân thiết cho mọi người, mọi giới. Chiếc khăn rằn đã trở nên gần gũi hơn với người dân lao động khi nó ngày càng được sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất.

Khăn rằn không chỉ gắn bó mật thiết với người dân lao động lam lũ, mà cả những người giàu có, người lớn, trẻ em cũng sử dụng loại khăn này. Phụ nữ dùng khăn rằn che nắng, vắt gọn khăn trên đầu, quấn tóc, choàng vai giữ ấm. Đôi khi quàng qua cổ, thả lỏng hai đầu khăn xuống ngực áo, để khi làm mệt tiện tay lau mồ hôi. Các bà mẹ còn dùng khăn rằn làm võng, quấn đắp giữ ấm trẻ sơ sinh,…

Nam giới làm việc đồng thường quấn khăn rằn ngang trán, lật ngửa hai đầu khăn lên đầu rồi buộc chặt, để làm gọn tóc, ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt, mắt mà cản trở công việc, cột khăn quanh hông cho gọn gàng tà áo, giắt búa, lưỡi hái, có thể dùng khăn cột thành vòng rồi xỏ vào cổ chân, làm dây leo lên cây cao hoặc quàng quanh cổ một đầu buông xuôi trước ngực, một đầu thả sau lưng... Ngoài ra, tất cả những gì gần gũi, thân thiện nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam Bộ đều gắn liền với chiếc khăn rằn thân thương.

Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, làm nên đặc điểm trang phục của đồng bào Nam Bộ. Cụ thể hơn, nó là biểu tượng cho người phụ nữ ĐBSCL cần cù, mộc mạc mà duyên dáng.

Ngày nay, có lẽ đã có nhiều thay đổi trong văn hóa trang phục, nhưng chiếc khăn rằn Nam Bộ trước sau vẫn mãi là một hình ảnh đẹp, một biểu trưng cho sự duyên dáng của những cô gái cũng như những tấm lòng chân tình, nồng hậu của con người đất phương Nam.

Ngay những ngày thơ bé, hình ảnh chiếc khăn rằn đã vô cùng quen thuộc với tôi, khăn luôn được bà vắt trên vai khi lom khom nhặt nhạnh những nhánh củi khô nhóm lửa nấu bánh, nướng khoai; khăn theo chân cậu mợ, cô dì ra đồng vào ngày mùa mưa, nắng… Những hình ảnh thân thương ấy hiện diện trong cuộc sống thường nhật của đại đa số các gia đình người dân Nam Bộ và ăn sâu vào lòng mỗi người dân nơi đây.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khăn rằn gắn liền với những người du kích, với những chiến công lẫy lừng…Khăn rằn đã đồng hành cùng các chiến sĩ 00giải phóng quân trên khắp các nẻo đường hành quân diệt thù, bảo vệ Tổ quốc.

Khăn che mưa, che nắng, thấm giọt mồ hôi, gói đựng ít đồ dùng cá nhân, băng bó vết thương. Khăn như lời động viên tiếp thêm sức mạnh lập bao chiến công vang dội. Khăn đầy gần gũi yêu thương luôn cùng các má, các chị, các cô du kích… mở đường, phá bom, từ căn cứ ra chiến trường, là món quà mẹ tặng tiễn chồng, con ra chiến khu, là kỷ vật thân thiết mà các đồng đội gửi tặng cho nhau bên chiến hào, là lời hẹn ước, kể cả để lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười.

Ngày nay, khăn rằn được dùng để làm đẹp thêm cho những bộ trang phục lễ hội truyền thống, là đạo cụ trong biểu diễn múa hát, văn nghệ, điện ảnh, sân khấu, hoạt động hội đoàn, hội thi, chụp ảnh kỷ niệm, dã ngoại, làm quà tặng; khăn rằn cũng được xem là món quà đặc biệt cho du khách khi đến tham quan vùng quê sông nước Nam Bộ.

Một điều quý giá là hiện nay hình ảnh chiếc khăn rằn không bị cuộc sống hiện đại làm phai mờ, khăn rằn Nam Bộ đang hồi sinh trong sức sống trẻ, khăn thay nón đội đầu tránh nắng, lau giọt mồ hôi,… tiếp sức các bạn đoàn viên tình nguyện trên khắp các nẻo đường nông thôn, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Theo chân các bạn trẻ trong những kỳ cắm trại, tham quan di tích lịch sử,… đôi khi lại thành vật chứng tình yêu khiến những trái tim của đôi trẻ xích lại gần nhau hơn.

Trải qua bao thế hệ, chiếc khăn rằn Nam Bộ xưa nay vẫn mãi là hình ảnh thân quen gần gũi với người dân miền quê vùng sông nước Cửu Long. Đây chính là nét đẹp văn hóa sâu sắc in đậm trong tiềm thức của người dân vùng đất phương Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ.

Việc gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của ông cha- văn hóa khăn rằn, để tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ sau là một điều hết sức có ý nghĩa, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

NGUYỄN CHIẾN