Thái Hồng với niềm đam mê thơ ca

Cập nhật, 16:37, Thứ Bảy, 11/07/2020 (GMT+7)

 

Nhà thơ Thái Hồng.
Nhà thơ Thái Hồng.


NGỌC HẢI

Thơ Thái Hồng không ồn ào mà đẫm đầy chất lãng mạn, chở đầy cảm xúc. Thơ Thái Hồng cũng luôn đau đáu những thân phận mà chị đã gặp từ cuộc sống đời thường với cách nhìn rất nhân bản.

Thái Hồng là một trong những cây bút nữ làm thơ ở Vĩnh Long. Chị bắt đầu đến với thơ ca từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Được dịp đi thực tế sáng tác dọc đường Trường Sơn, khi ngang qua Ngã ba Đồng Lộc, chị không thể không dừng lại và “chuyện trò” với 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh năm nào. Chị bồi hồi xúc động cảm tác nên bài thơ “Lời thì thầm ở Ngã ba Đồng Lộc”. Thơ Thái Hồng không ồn ào ca ngợi chiến công oanh liệt của các cô gái thanh niên xung phong đã dũng cảm hy sinh trong chiến tranh ác liệt mà chị lại nhìn sự việc từ một góc độ khác, rất đời thường, rất phụ nữ và vô cùng nhân bản:

Trang trọng đặt lên mộ thỏi son

Hộp phấn

Chiếc gương con

Các chị ơi, tuổi xuân thì con gái

Buổi mai này

Về trang điểm cùng nhau

Với những xúc cảm dâng trào như thế, Thái Hồng lại tiếp tục đi và viết, bài thơ “Sơn Mỹ 504” được ra đời khi chị ghé lại làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi)- nơi đã từng xảy ra vụ thảm sát 504 người chết năm 1968:

Nhưng máu đã chảy mạch ngầm trong đất

Nhát cuốc nhẹ nhàng cũng bật

Con số vô hồn, con số lạnh khô

Tôi đứng đây nhẩm con số vô hồn

Con số lạnh khô biết làm ma thuật

Khiến loài người sợ hãi chiến tranh

Mong muốn hòa bình

Rồi một lần trên đường hành hương từ phương Nam ngược lên xứ Bắc, ghé qua Quảng Trị, thức một đêm trắng bên Nghĩa trang Đường 9, chị không thể không thở chung nhịp tim với những người lính Trường Sơn năm xưa:

Ghé lại Nghĩa trang Đường 9

Uống đầy ly rượu phương Nam

Nghe người lính cũ đọc thơ mình

Nhớ trận địa xưa

Rưng rưng ánh lửa

Qua rồi cuộc hành hương phương Bắc, chị lại quay về phương Nam, đến nơi cùng trời cuối đất: Đất Mũi- vùng đất cuối cùng của Tổ quốc thân yêu. Nơi có những hạt phù sa lắng đọng, nhưng lại cũng có những phận đời trôi dạt…

Có gì đâu! Một xóm Mũi dăm ngôi nhà

Những người đàn ông đi biển về uống rượu

Những người đàn bà giũ lưới lựa cá tôm

Da nâu chắc nịch, vui buồn phơi cùng nắng gió

Những đứa trẻ đổi con chữ ngày mai từ con ốc, con sò…

                                    (“Xóm Mũi”)

Nhưng đi đâu rồi cũng về lại quê nhà, với bài thơ “Bến quê”, chị lại đưa chúng ta về lại những miền đất ngọt ngào vùng đồng bằng với bốn mùa cây trái:

Mùa trái chín đồng bằng thơm lựng

Con gái miệt vườn đẫm hương của đất

Nụ cười gợn mặt sông yên…

Em chở tôi về tuổi thơ tôi

Bằng canh hến nấu rau tập tàng
quê ngoại

Ơ cá bống kho khô bỏ tiêu cho ngọt

Nồi cháo cua đồng đậm ngất hồn quê

Nếu ai hỏi riêng tôi thích đề tài thơ nào của chị nhất, có lẽ tôi không ngần ngại mà trả lời rằng: Thơ tình.

Thật vậy, thơ tình của Thái Hồng rất mượt mà và đầy nữ tính:

Trách chi cơn gió đi về

Trách là người khéo vỗ về lòng ai

Dân ca có tự tháng ngày

“Người dưng khác họ”… dễ đày đọa nhau

Thơ tình của Thái Hồng như một lời bộc bạch chân tình, đằm thắm, dịu nhẹ mà đau:

Chưa xa nỗi nhớ đã cồn

Lời chia biệt thốt lúc còn bên nhau

Mới hay những ngọn sóng trào

Ẩn trong lòng biển dạt dào triều dâng

Thôi em chớ vội phân trần

Ta về nơi ấy nhớ lần chia tay

“Tóc mai sợi vắn sợi dài”

Nụ tầm xuân đó tiếc hoài em ơi!

Thế đó, dù tất cả với đề tài thơ nào, thơ Thái Hồng cũng đầy xúc cảm của một tâm hồn thơ đầy đam mê.