Chiếc bàn ủi con gà

Cập nhật, 15:34, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Đó là chiếc bàn ủi than gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ. Ngày xưa, khi công nghệ chưa phát triển, chiếc bàn ủi điện chỉ còn nằm trong ý tưởng của những nhà sản xuất, thì chiếc bàn ủi than như vị thần cứu cánh trong ngành may mặc.

Nhất là trong mỗi gia đình trung lưu đều có chiếc bàn ủi than để dùng khi cần. Vì trên bàn ủi có cần gạt đóng mở nắp (bỏ than vào bên trong) có hình con gà nên mọi người quen gọi là chiếc bàn ủi con gà.

Tôi không biết chiếc bàn ủi than ra đời từ khi nào,chỉ nhớ là khi tôi vào bậc tiểu học thì đã thấy chiếc bàn ủi ấy trong ngôi nhà mình.

Bàn ủi ấy có hình tam giác, bằng đồng. Bên trên có quay cầm bọc gỗ. Ở nắp khóa đóng mở có hình chú gà trống ngộ nghĩnh. Ngày đó ba tôi là cán bộ thường xuyên đi họp, bỏ áo vào quần nên rất cần đến bàn ủi than.

Ngày nào cũng thế, cứ tầm chạng vạng là mẹ đi đốt lửa than cho đỏ rực để gắp bỏ vào bàn ủi ủi đồ. Do quê tôi xứ dừa, nên thường dùng than miểng gáo dừa. Loại than này đặc biệt ở chỗ cháy đỏ rực, từ từ nên giữ độ nóng lâu chứ không tàn nhanh.

Gáo dừa là phần vỏ bên trong bảo vệ cơm dừa, sau lớp xơ dừa ngoài cùng. Trải qua các công đoạn lột vỏ dừa, cạy cơm dừa mới có chiếc gáo dừa tròn vo như cái đầu trụi.

Sau đó thì mang đi phơi nắng ít hôm. Vì phía bên trong gáo dừa còn vương lại một ít cơm dừa khô, có chứa tinh dầu nên rất dễ bắt lửa.

Những đường gân trên gáo ẩn những cọng xơ cũng là cách dễ bén lửa khi mồi. Phải mất ít nhất 20 gáo dừa, khoảng 30 phút đốt mới bỏ than vào bàn ủi được.

Mẹ ủi rất khéo, chỗ nào cũng thẳng thướm, láng o. Cứ lần nào mẹ mang quần áo ba đi ủi là chúng tôi vội mang hết đồ đi học (có khi quần áo ở nhà) cho mẹ ủi ké.

Có những chiếc quần, chiếc áo đã cũ, ngả màu cháo lòng, nhưng chúng tôi cứ thích thơm tho, mới mẻ nên nhờ mẹ ủi. Dù thế mẹ không phàn nàn, vẫn tỉ mẩn ủi từng bộ đồ cho các con. Hôm nào nhiều quần áo, tôi phải chạy đi lấy gáo dừa cho thêm vào lò.

Có những hôm mẹ đi công việc không về nhà kịp, ba đảm trách phần ủi đồ. Cả ba cha con cứ luống cuống, quáng quàng như gà mắc tóc mà vẫn không ủi được một bộ đồ cho ra hồn.

Dù thế cuối cùng ba vẫn hoàn thành trách nhiệm. Tuy không đẹp như mẹ ủi, nhưng ít ra ba mặc quần áo vào cũng bảnh bao, oai phong chứ thua ai.

Nhớ nhất là cái lần tôi lỡ tay chạm vào bàn ủi. Lúc đấy là đêm giao thừa. Mẹ ngồi miệt mài ủi đồ liên tục cho cả nhà. Bởi trong những ngày xuân, ai cũng cần mặc đồ mới đi chơi, thăm bạn, chúc tết. Bên trong bếp, những chiếc gáo dừa vẫn cháy nổ lốp bốp, hoạt động hết công sức.

Chị Hai có nhiệm vụ canh chừng than, khi than đỏ hồng thì báo với mẹ để gắp than cho vào bàn ủi. Còn lúc than sắp tàn thì cho thêm gáo dừa mới vào.

Tôi thì cứ ngồi trực ngay chiếc ván ngựa chờ mẹ ủi đồ của mình. Lòng nôn nóng ngày đầu xuân được đi chợ tết nên không buồn ngủ chút nào. Dù bà đã nhiều lần nhắc nhưng tôi vẫn cố ngồi đấy.

Rồi vì sơ ý, tay tôi chạm vào mũi bàn ủi. Khỏi phải nói, tôi rụt tay lại nhanh và khóc thét lên.

Ba đang nằm võng, vội chạy xuống, xót ruột, nắm lấy bàn ủi quăng vào góc nhà. Con gà nằm chổng chơ. Ấy thế mà bàn ủi bền thật, sau cú ngã trời giáng, vẫn sử dụng lại bình thường.

Giờ thì người ta chỉ sử dụng bàn ủi điện, nhà tôi cũng thế. Chiếc bàn ủi than hình con gà được mẹ mang cất vào trong tủ. Theo thời gian, nó vẫn nằm đấy mặc tình công nghệ ngày một thay đổi diệu kỳ.

Mẹ là người hoài cổ, nên thỉnh thoảng vẫn mang bàn ủi than ra lau chùi cho sạch bụi. Đôi lúc mẹ bần thần rất lâu, có lẽ khi ấy mẹ nghĩ về quá khứ.

Riêng tôi, cứ mỗi lần nhìn vào vết thẹo hình mũi tên trên tay, tôi lại nhớ về ký ức tuổi thơ, nhớ chiếc bàn ủi con gà. Nhất là hình ảnh mẹ cần mẫn ngồi miệt mài ủi đồ trên bộ ván ngựa.

Chốc chốc, trán mẹ rơi vài giọt mồ hôi xuống áo rồi bốc hơi nhanh sau đó vì độ nóng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi cảm nhận tấm lòng bao la, ngọt ngào, dịu dàng của mẹ mình!

ĐẶNG TRUNG THÀNH