Gió sang mùa

Cập nhật, 06:46, Thứ Bảy, 30/01/2016 (GMT+7)

Phượng cùng Đẹp và Thoa làm cỏ bắp mướn cho cô Hảo. Giờ nghỉ trưa chị tranh thủ giặt đồ. Khi lộn cái quần tây của Tấn ra phơi, chị thấy trong túi có cái gì cồm cộm, móc ra xem. Một xấp vé số ướt nhẹp, dính khắng vào nhau gỡ ra là rách.

Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

“Hổng có tiền mà mua cho cố”- Phượng cằn nhằn. Nhưng, khi nhớ lại chiều nay có thể trúng đặc biệt, lòng chị lại bừng lên tia hy vọng bèn vào nhà nhắc cái ghế đẩu đem ra nắng phơi. Vé số ráo ráo, Phượng cẩn thận gỡ ra từng tờ cho mau khô mới hay… toàn vé số cũ.

Một giờ chiều. Bốn người phụ nữ kéo nhau ra rẫy giữa trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong xóm ngoài đường vắng vẻ tĩnh mịch, chỉ có cái nóng nung người và sao nắng ngời ngợi hàng hàng lớp lớp trong không gian trong suốt. Đám bắp lại mới cao ngang đầu gối, chẳng nhờ cậy được gì mà còn bị lá cọ quệt vào cổ vào má rất khó chịu. Họ vừa làm vừa nghe nhạc cát sét do cô Hảo mang theo cho đỡ buồn. Khi ba nam ca sĩ hát “liên khúc nghèo”, Đẹp nói vui với Phượng và Thoa:

- Ê! Ba thằng cà chớn ngạo tụi mình đó mấy bà?

Thoa cười:

- Tại bài ca nó vậy chớ mấy chả biết tụi mình nghèo sao ngạo, hén Phượng?

Phượng thở dài:

- Mấy chả ngạo tui chớ đâu ngạo hai bà. Dù sao hai bà cũng đỡ hơn tui, có đất có nhà đàng hoàng. Còn tui ở đậu ở bạc, chỉ làm mướn nuôi thân, bấp bênh như giề lục bình!

Thấy Phượng tủi thân, Đẹp và Thoa không nói nữa. Cô Hảo chợt nói:

- Có chuyện này mà hổm rày quên nói với con Phượng. Đứa cháu tao bên chợ nhờ tao kiếm dùm một người giúp việc nhà, bây chịu làm không?

- Lương tháng bao nhiêu? Bao ăn ở không? - Đẹp vọt miệng hỏi.

- Cái đó thì tao không biết. Chịu làm thì qua bển hỏi nó.

- Để tui về bàn với ông Tấn coi sao? - Phượng trả lời yếu xìu.

Phượng là chị lớn của năm đứa em, bốn gái một trai. Trước kia ba má chị cũng có đất đai nhà cửa đàng hoàng nhưng do vụng tính trong việc làm ăn nên gặp hết thất bại này đến thất bại khác, nợ nần chồng chất. Con cái lại đau ốm liên miên phải bán hết đất đai trả nợ và lo bệnh hoạn cho con, chỉ còn cái nền nhà và vài trăm thước vuông đất. Đây là hậu quả tệ hại của quan niệm cổ hủ phải có con trai nối dõi tông đường và là thằng bạn nối khố của kiếp nghèo, nếu gia đình nào muốn khá giàu thì không nên giao thiệp với nó. Thật buồn cười! Rút kinh nghiệm, sau khi lấy chồng Phượng chỉ sanh hai con dù cả hai đều là gái.

Học chưa hết cấp hai Phượng phải nghỉ phụ tiếp cha mẹ mưu sinh. Cái tuổi thơ hồn nhiên hoa mộng đáng lẽ Phượng được hưởng trọn vẹn như bạn bè trang lứa nhưng đã bị kiếp nghèo và cuộc sống cơ cực cướp mất, cướp luôn cái duyên dáng mặn mà của người con gái dậy thì rồi để lại di chứng bằng mái tóc cháy nắng, làn da sạm đen và đôi bàn tay bàn chân chai sần, thô kệch.

Khi bước vào lứa tuổi yêu đương, bất cứ cô gái nào cũng dùng son phấn, y phục chăm chút nhan sắc để tạo sự chú ý và thu hút bạn trai. Tuy không đẹp lắm nhưng khi ăn diện, trang điểm, Phượng cũng khá hấp dẫn bởi ngoại hình đầy đặn thon thả với đôi chân dài gợi cảm. Từ đó, cô gái “lọ lem” nghĩ mình cũng có quyền ước mơ và hy vọng lấy được hoàng tử làm chồng. Nhưng, “hoàng tử của lòng em” không bao giờ đến với Phượng mà là Tấn- một thanh niên hiền lành, giỏi giang, gia cảnh cũng không hơn gì gia đình Phượng. Ba chị động viên:

-Nó không cờ bạc, rượu chè, chơi bời lêu lổng. Thanh niên mà như vậy sẽ là thằng chồng tốt. Ông bà mình có dạy “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”, “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Nếu tụi bây siêng năng, cần mẫn, chí thú làm ăn, chắt mót tiết kiệm thì sợ gì không khá được?

Má chị tỏ ra an phận:

- Giày dép còn có số con ơi, duyên phận do trời định, “ruộng ai thì nấy đắp bờ, duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công”.

Ước không có, cầu không được, Phượng đành chấp nhận số phận hẩm hiu và buông xuôi cho định mệnh an bày.

***

Tấn quả là người chồng tốt, người đàn ông có nghị lực, ý chí vươn lên chứ không đầu hàng số phận như Phượng. Tự tìm kiếm việc làm, không ngồi chờ người ta đến kêu. Ai mướn làm gì cũng làm, không chọn lựa khen chê. Leo bẻ dừa, mé nhánh cây cao, phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ khá nguy hiểm và có hại sức khỏe mà vẫn làm.

Khi làm thì năng nổ, nhiệt tình, không nệ công, làm hết việc chứ không làm hết giờ và luôn hoàn thành nhiệm vụ, được nhiều người thương mến, tin tưởng nên có việc thì kêu làm. Nghị lực và ý chí của Tấn đã cảm hóa Phượng, chịu đứng bên kia đầu dây gàu dai cùng chồng tát biển. Hai đứa con gái cũng hưởng được đức cha, học hành đến nơi đến chốn.

Ở đời, có những thứ mình cần, cố tìm kiếm nhưng không được lại đến với mình bất ngờ, dân gian gọi là “hay không bằng hên”. Ông Xinh- người hàng xóm tốt bụng- cho vợ chồng Tấn ở đậu, có quán ăn bán cơm tấm, hủ tiếu, cháo lòng bình dân.

Một hôm, trên đường đi đốn mía, ông lái cùng cả chục nhân công nam nữ ghé ghe lên quán ông Xinh ăn sáng. Thấy cơm vừa ngon vừa rẻ, những lần sau ông ấy gọi điện thoại đặt cơm hộp trước cho khỏi tốn thời gian và tranh thủ con nước. Một lần, ông ấy đặt mười hộp nhưng chỉ lấy bảy do ba người bị bệnh bất ngờ không đi làm được. Ông ấy nhờ ông Xinh:

- Ở đây có ai làm mướn ông kêu dùm tui vài người, ông chủ?

Ông Xinh gật đầu, bảo ông lái chờ chút xíu rồi chạy sang nhà Tấn, hỏi:

- Có người kêu đốn mía kìa, vợ chồng bây làm được không?

Buồn ngủ gặp chiếu manh, Tấn nhanh nhảu:

- Dạ được! Ai vậy chú?

- Ông lái mía, khách của tao. Vậy thì qua bển nói với người ta.

Vợ chồng Tấn cùng ông lái mía nhanh chóng thỏa thuận hợp tác đôi bên cùng có lợi trước sự chứng kiến của ông Xinh. Làm được vài lần, ông lái mía thấy vợ chồng Tấn siêng năng, cần mẫn, trung thực nên tiếp tục hợp tác lâu dài. Vào mùa cao điểm, mía thu hoạch rộ, ông ấy còn giao cho vợ chồng Tấn một chiếc ghe máy nhỏ hơn cùng năm bảy nhân công đi thu mua.

Vợ chồng Tấn được chính quyền địa phương xét tặng nhà tình thương nhưng họ không có đất cất nhà. Sợ vuột mất cơ may, ông Xinh lại chia cho họ khoảng hai trăm mét vuông đất với giá hữu nghị, trả tiền trước phân nửa, phần còn lại trả từ từ, không tính lãi.

Có an cư mới lạc nghiệp, vài năm sau vợ chồng Tấn lột xác như con ve sầu, trút bỏ chiếc vỏ sần sùi của người làm công, khoác vào mình bộ cánh óng mượt của ông lái mía. Tuy sự nghiệp vốn liếng còn khiêm tốn, chưa đủ sức cạnh tranh với các thương lái khác nhưng đó là chiếc bàn đạp vững chắc đưa vợ chồng Tấn từ từ đổi đời tương lai xán lạn.

***

Hàng năm, cứ vào nửa tháng tám âm lịch về sau thì gió Tây Nam rút lui cùng mưa giông bão lũ. Gió chướng mát mẻ thổi về mang luồn sinh khí mới cho vạn vật. So đũa trổ bông, đậu rồng kết trái. Một ngày cuối tháng, vợ chồng Tấn tổ chức tiệc mừng Bích Trâm- cô con gái lớn- tốt nghiệp Đại học Sư phạm và được dạy tại huyện nhà.

Khách mời khá đông, gồm thân nhân nội ngoại, bà con hàng xóm, bạn bè của cha con họ khoảng năm mươi người, tiếng chúc mừng đầy cả hai tai và cũng có người dè bỉu “nông dân bây giờ nuôi con học hành đỗ đạt không ít, có gì hay ho to tát đâu mà ăn mừng?” Đúng vậy! Nhưng, trường hợp vợ chồng Tấn là cá biệt, thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” mà có hai con học đại học không phải rất hãnh diện, đáng ăn mừng sao?

Buổi tiệc kéo dài đến xế chiều trong bầu không khí tràn ngập hân hoan và hạnh phúc. Vợ chồng Tấn cùng Bích Trâm tiễn khách ra về giữa khung trời nắng nhẹ và gió chướng lai rai.

TRƯƠNG HOÀNG MINH (Trà Ôn)