"Gừng càng già càng cay"

Cập nhật, 10:11, Thứ Năm, 28/01/2016 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng được tập hợp và in lại rất nhiều. Cùng với đó là hàng loạt những sáng tác mới, truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết cũng lần lượt ra đời, càng khẳng định tên tuổi và sức làm việc không ngơi nghỉ của nhà văn lão thành, người từng giành nhiều giải thưởng cao quý, như giải thưởng văn học ASEAN, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Những tác phẩm gần đây của nhà văn Ma Văn Kháng
Những tác phẩm gần đây của nhà văn Ma Văn Kháng

Hàng chục truyện dài, tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng trong suốt mấy chục năm qua đã phản ánh khá đầy đủ nhịp sống hiện đại, những trăn trở của con người trước sự đô thị hóa, trước những đổi thay và cả sự tha hóa của con người.

Viết bằng vốn sống, sự từng trải và kinh nghiệm ở đời, viết bằng cái tâm của người cầm bút, cái tình với mọi người đã giúp cho những sáng tác của nhà văn sống trong lòng mọi người. Trong số đó, phải kể đến các tiểu thuyết: “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Vùng biên ải”, “Trăng non”, “Mưa mùa hạ”, “Côi cút giữa cảnh đời”, “Đám cưới không có giấy giá thú”; truyện ngắn: “Ngày đẹp trời”, “Heo may gió lộng”…; hồi ký: “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”. Trong số này, có một tác phẩm được chuyển thể thành phim và được đông đảo công chúng đón nhận như: “Mùa lá rụng trong vườn”, một tác phẩm đặc sắc, đầy day dứt, ám ảnh.

Câu chuyện là bức tranh phản ánh chân thực những biến động của xã hội và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình, xoay quanh một gia đình truyền thống vào những năm 1980. Mỗi số phận trong tác phẩm đều là những điển hình và sự chuyển biến trong nhận thức, suy nghĩ của họ trước sự thay đổi của xã hội để lại trong lòng người nhiều chiêm nghiệm…

Những năm gần đây, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng sức sáng tạo của nhà văn vẫn không ngừng. Điều này chứng minh mỗi năm, ông đều cho ra mắt từ 1 đến 2 tác phẩm, có cả truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, đó là chưa kể đến những tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí lớn. Nếu như năm 2012, độc giả đón nhận tập truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều” và các năm tiếp theo là tập truyện vừa “Xa xôi thôn Ngựa Già”, tiểu thuyết “Chuyện của Lý”, thì cuối năm 2015 là quyển tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên”.

Đây là những tác phẩm viết bằng tất cả sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể hiện nhân sinh, thẩm mỹ của nhà văn. Vấn đề ông đề cập nhẹ nhàng, nhưng là những cuộc đời đầy biến cố, khắc khoải, luôn đau đớn trước nhân tình thế thái và thời cuộc, được soi dưới nhiều góc độ, qua lăng kính của nhà văn có tâm, có tầm, đã làm cho trang viết đầy xúc cảm, đậm tính nhân văn.

Trong số những tác phẩm này, ấn tượng đậm nhất trong người đọc là tiểu thuyết “Chuyện của Lý”, bởi đây là những gì lắng đọng, chắt chiu sau cả một cuộc đời viết về vùng đất Tây Bắc. Lý như là biểu tượng của sự sống, từ một em bé vài tháng tuổi, đến khi kết truyện, em đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trải qua nhiều cung bậc vui buồn và đang hứng khởi bước vào cuộc đời.

Hay tập truyện vừa “Xa xôi thôn Ngựa Già”, lấy bối cảnh ở những bản, làng miền núi phía Bắc, lại là một bức tranh mang màu sắc khác, phản ánh nhịp sống thời đại với những mặt tích cực, tiêu cực và sự bon chen trong cuộc sống cùng những mảnh đời éo le nhưng vẫn khát khao vươn lên bằng sức sống mãnh liệt. Hay tiểu thuyết “Người thợ mộc và tấm ván thiên”, viết từ câu chuyện của một người bạn, một thanh niên lên vùng cao dạy học, bị sa thải oan uổng nhưng đã chọn cách sống lao động thanh sạch…

Nhà văn Ma Văn Kháng đang chuẩn bị bước vào tuổi 80, nhưng những sáng tác liên tục ra đời cho thấy ông vẫn chưa muốn dừng lại, chưa muốn nghỉ ngơi, mà vẫn hăm hở với cuộc đời để kịp thời phản ánh những vấn đề của cuộc sống một cách nhẹ nhàng, gần gũi, nhưng sâu sắc và lắng đọng, đầy chiêm nghiệm, bằng cái nhìn yêu thương, trăn trở.

Đây chính là điểm làm nên sức hút của nhà văn đầy kinh nghiệm, vốn sống và dạt dào tình yêu thương với cuộc đời, với con người. Vài lời khó có thể nói hết cái hay, cái đẹp trong tác phẩm của nhà văn, chỉ xin mượn câu “Gừng càng già càng cay” thay cho những điều muốn nói. Còn những tác phẩm ấy “cay” như thế nào, xin dành lại cho độc giả yêu văn chương và yêu nhà văn trong suốt mấy chục năm qua…

Theo http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE185DD0/_Gung_cang_gia_cang_cay_.aspx