Đẩy lùi tín dụng đen

Cập nhật, 08:35, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang bùng phát dữ dội. Tín dụng đen không chỉ có ở nông thôn, mà cả ở các khu công nghiệp, tại các thành phố lớn... Theo tính toán chưa đầy đủ, số vốn các tổ chức cho vay có tính chất xã hội đen đang cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an, trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo,…

Song đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh- thành với tổng số khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Trước tình trạng diễn biến phức tạp, biến tướng của tín dụng đen, ngành ngân hàng đã, đang triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, Nghị định 116 ra đời với những điểm mới đột phá, rất thông thoáng cùng nhiều giải pháp về tín dụng của ngành ngân hàng đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất- kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến hình thức cho vay nặng lãi.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tung ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng giao cho Agribank triển khai để phục vụ nhu cầu vay cấp bách của người dân, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc của tín dụng.

Được biết, trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an và các bộ, ngành khác, chính quyền các tỉnh- thành sẽ vào cuộc để phối hợp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, ngoài các giải pháp, chính sách phối hợp của ngành ngân hàng vẫn cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

HOÀNG HÀ