"Tín dụng đen"

Cập nhật, 06:42, Thứ Tư, 19/12/2018 (GMT+7)

Tại vách tường, cột điện, góc phố, sẽ dễ dàng bắt gặp chi chít các tờ giấy in với đủ loại cỡ chữ về việc cho vay tiền không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn... Có thể nói, chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ dàng và nhanh chóng như bây giờ. Theo các quảng cáo này, chỉ cần cầm hộ khẩu và chứng minh nhân dân là có thể vay cả chục triệu, cả trăm triệu đồng.

Thủ tục vay cực kỳ đơn giản diễn ra nhanh chóng nhưng lãi “siêu khủng”. Phổ biến là vay 50 triệu đồng thì “góp trong 1 tháng, mỗi ngày 2 triệu đồng, cộng thêm 10% phí dịch vụ”. Như vậy, sau một tháng, người vay phải chịu tiền lãi hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng, đó chưa phải mức lãi cao nhất.

Có gia đình chỉ vay 5 triệu đồng, chỉ sau vài ba tháng đã phải gánh số nợ tới 150 triệu đồng. Vấn đề “tín dụng đen” đang gây nhức nhối dư luận! Tình trạng cho vay nặng lãi đang biến báo với đủ chiêu trò gây nhiều cảnh trớ trêu, khiến nhiều gia đình phải đi vào ngõ cụt. Kéo theo “tín dụng đen” là tình trạng đòi nợ thuê càng đẩy người nghèo vào cảnh ngộ thương tâm!

Vì sao tín dụng đen tồn tại ngày càng hoành hành? Người nghèo rất cần vốn trong khi mạng lưới các ngân hàng “phủ” khắp nơi nhưng để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn. Phải chăng các ngân hàng còn “sợ” cho các hộ nghèo, người nghèo vay vốn?

Mọi người đều hiểu, cho vay lãi suất cắt cổ là vi phạm pháp luật. Gần đây, một số địa phương mạnh tay truy quét “tín dụng đen” nhưng hầu hết bằng biên pháp xử lý hành chính nên “vòi bạch tuột” tín dụng đen vẫn còn lẩn khuất khắp nơi trong phố thị không khác gì băng nhóm “xã hội đen”.

Để rồi tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê ngày càng biến tướng khó lường. Đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách phù hợp hơn để người nghèo dễ tiếp cận vốn tín dụng. 

HOÀNG HÀ