Bớt nói, làm nhiều!

Cập nhật, 06:34, Thứ Năm, 15/11/2018 (GMT+7)

Gần đây, thuật ngữ “nông nghiệp 4.0” được đề cập nhiều. Nhưng “nông nghiệp 4.0” được hiểu như thế nào? Và Việt Nam chúng ta tiếp cận, vận dụng ra sao? Đó là vấn đề còn khá “mông lung”.

“Nông nghiệp 4.0” ở Châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị.

Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình sản xuất, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng Internet.

Kinh nghiệm thế giới đã chứng minh, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã mang lại nhiều tác động tích cực.

Chẳng hạn, tiết kiệm sức lao động và nguồn lực, nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ công nghệ, tăng tính cạnh tranh cho nông sản.

Nếu ngành nông nghiệp trong nước không tận dụng được cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, khoảng cách tụt hậu sẽ ngày càng xa so với thế giới!

Tại hội thảo “Tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng, ngành nông nghiệp muốn phát triển mang tính bền vững thì không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, không nên ứng dụng theo kiểu “dàn hàng ngang” mà cần chọn ra những công nghệ, lĩnh vực nông nghiệp cần ưu tiên.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, làm nông nghiệp hiện đại phải ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại vào sản xuất.

“Nông nghiệp 4.0” sẽ hỗ trợ nông dân rất nhiều trong sản xuất, canh tác và tạo ra hàng hóa sản phẩm tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động xấu của môi trường. Đây là điều tất yếu, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và Việt Nam không thể “lỡ chuyến tàu” này.

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ chịu nhiều rào cản để phát triển nông nghiệp 4.0, nên phải tiếp cận khôn ngoan, thông minh để đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho cộng đồng, đem lại hàng hóa xuất khẩu.

“Các nước không nói nhiều đến nông nghiệp 4.0 nhưng họ làm thì dữ lắm. Chúng ta bớt nói đi, cần làm nhiều hơn. Sản phẩm cuối cùng của chúng ta là để phục vụ con người, đó là tiêu chí cao nhất.

Cần có nền nông nghiệp thông minh, tiếp cận thông minh và khôn ngoan”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

HOÀNG HÀ