Rượu, bia và các hệ lụy xã hội

Cập nhật, 07:17, Thứ Tư, 14/11/2018 (GMT+7)

Dù dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Bộ Y tế dự thảo từ năm 2014 đã qua nhiều lần chỉnh sửa, đã được Quốc hội có nhiều ý kiến ở những góc độ khác nhau nhưng đều đồng tình với quan điểm sự cần thiết xây dựng luật này.

Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ tác hại của việc sử dụng rượu bia đối với sức khỏe, đối với kinh tế, đối với an toàn giao thông, trật tự xã hội và gia đình.

Cụ thể, trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, sử dụng rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các bệnh rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ,...

Trên thế giới, mỗi năm rượu bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra.

Tại Việt Nam, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15- 49. Thống kê hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Có ý kiến “phản biện” cho rằng, bản thân rượu bia không độc hại. Tác động của sản phẩm có cồn thường được nhìn toàn “màu xám” nhưng thực chất có ý nghĩa về xã hội như tăng sức khỏe cho người tiêu dùng (sử dụng phù hợp).

Cùng với đó, ngành còn có đóng góp cho nền kinh tế 48.000 tỷ đồng tiền thuế/năm, giải quyết hàng chục ngàn việc làm, phát triển các công nghiệp phụ trợ (bao bì, nhãn mác…), tiêu thụ lúa gạo, xuất khẩu,...

Thực tế là rượu bia ở Việt Nam hiện nay sẵn có và rất dễ tiếp cận. Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật, diễn ra phổ biến, tần suất cao; chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên.

Do đó, với việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được người dân mong chờ sẽ giúp cho việc phòng chống hiệu quả hơn. Nó không chỉ liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn tác động trực tiếp đến nhiều gia đình, giúp giảm đi những nỗi đau bạo lực, chứng kiến cảnh người thân bị tai nạn, bệnh tật do tác hại của rượu, bia gây ra. 

HOÀNG HÀ