Văn hóa chất vấn

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)

Không khí nghị trường liên tục “nóng” trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn trên tinh thần đổi mới tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, bởi hỏi- đáp giữa đại biểu và các bộ trưởng và càng “nóng” hơn khi tinh thần tranh luận được thể hiện rất rõ khi ngay các đại biểu cũng phản biện ý kiến của nhau.

Nhiều đại biểu Quốc hội kiên quyết truy vấn đến cùng, thể hiện thái độ trách nhiệm cao của mình. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã một lần nữa cho thấy: văn hóa nghị trường, văn hóa chất vấn- đúng là điều rất quan trọng, rất cần thiết.

Tranh luận thực chất là một cuộc thảo luận chính thức tại nghị trường khi các vị đại biểu đưa ra ý kiến phản biện lại quan điểm của Chính phủ hoặc của các vị bộ trưởng.

Ở nước ta, các vị đại biểu không chỉ tranh luận với các vị bộ trưởng mà còn tranh luận với nhau. Một số đại biểu đã xin phát biểu để tranh luận lại ý kiến của các vị đại biểu khác.

Đây là một điểm rất khác với nghị viện của nhiều nước trên thế giới. Có thể, vì không có phe đối lập trong Quốc hội nước ta. Cũng có thể, quy trình, thủ tục cho các phiên tranh luận đang trong quá trình hình thành.

Trên tinh thần tranh luận để tạo sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh như vậy, cử tri kỳ vọng sẽ thực sự hình thành “văn hóa tranh luận”: thẳng thắn, trên tinh thần góp ý, xây dựng, không đưa động cơ cá nhân vào nghị trường, không quy chụp quan điểm cá nhân.

Lập luận phản biện phải dựa trên chứng cứ và logic, chứ không dựa trên sự suy diễn và quyền thế. Tranh luận đòi hỏi chỉ được “tấn công quan điểm”, chứ không được “tấn công con người”.

Liên quan đến hoạt động tranh luận ở nghị trường, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề. Tuy nhiên, thành tựu đạt được rất đáng được ghi nhận. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến tới chuyên nghiệp của Quốc hội nước ta. 

HOÀNG HÀ