Thiêng liêng sự nghiệp trồng người

Cập nhật, 05:59, Thứ Tư, 05/09/2018 (GMT+7)

Hôm nay (5/9/2018), lễ khai giảng năm học 2018- 2019 diễn ra đồng thời trên khắp cả nước.

Vậy mà hôm qua, chúng ta phải chứng kiến bao nhiêu cảnh đau lòng do mưa lũ ở Bắc, Trung Bộ. Nhiều người chết, mất tích. Những cung đường sạt lở trầm trọng. Những ngôi nhà bị nhấn sâu trong bùn. Những ngôi trường tan hoang… Học sinh đến trường bằng cách nào đây?

Còn các thầy cô giáo trường vùng cao thường từ vùng xuôi lên cũng tranh thủ vượt lũ, vượt bùn đến trường cho kịp ngày khai giảng.

Hình ảnh thầy cô quảy ba lô, tay xách dép trên con đường bùn ngập đến gối hay ông thầy mặc quần lửng len lỏi đeo bám trên những cung đường sạt lở đầy hiểm nguy để đến với học trò làm xao động lòng người…

Đường đến trường với người thầy khó khăn là thế, thì với học trò sẽ còn gập ghềnh biết bao nhiêu? Vậy nhưng, khi đến trường họ sẽ lại lao vào tái thiết lại trường lớp đang ngập trong bùn hay đóng lại bàn ghế, rồi thu nhặt, phơi phóng số sách vở bị lũ cuốn trôi hay dù còn cũng ướt mèm, nhoen nước.

Và, cái khó lại đến với những người thầy này là lại tiếp tục hành trình leo núi, vượt suối vận động học sinh đi học...

Ngày 5/9 hàng năm có thể nói là ngày hội với ngành giáo dục và toàn dân. Biết bao người hân hoan, phấn khởi.

Và vũng biết bao người không khỏi xót xa, chạnh lòng lẫn cảm phục nhìn những người thầy vùng núi vẫn liều mình vượt hiểm nguy để bám bản, bám nghề, mang ánh sáng tri thức tới những học trò vùng sâu, vùng xa.

Với tình yêu nghề, yêu học trò, các thầy cô giáo này đã “cõng chữ lên núi”, “gùi chữ đến bản làng”. Thật đẹp, thật đáng quý tấm lòng người thầy! Và, càng thấy thiêng liêng biết bao sự nghiệp trồng người! 

HOÀNG HÀ