Rác thực phẩm

Cập nhật, 08:13, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)

Ở nước khác, trong khi gà thải loại, nội tạng gia súc được làm thức ăn chăn nuôi, phân bón… thì ta lại nhập về bán cho người dân để trở thành những món ăn trong bữa cơm hàng ngày của không ít gia đình.

Số liệu từ Bộ Công thương: 6 tháng đầu, lượng gà nhập khẩu vào nước ta lên đến gần 90.000 tấn, trị giá hơn 84 triệu USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập một lượng phụ phẩm gia súc (heo, bò, trâu) sau giết mổ sống nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay là 22.831 tấn, trị giá hơn 23 triệu USD. Như vậy, mỗi tháng người Việt Nam tiêu thụ hết gần 4.000 tấn phụ phẩm gia súc.

Một lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam đã từng thừa nhận, sản phẩm ngoại đang lấn át hàng Việt về giá. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm này kém tươi hơn so với hàng Việt Nam.

Riêng một số loại thuộc nhóm phụ phẩm như: chân gà, cánh gà, đùi gà, nội tạng gia súc- gia cầm… thì do Mỹ và các nước Châu Âu gần như không tiêu thụ nên họ bán khá rẻ cho các nước muốn nhập khẩu, thậm chí có những sản phẩm đã gần hết hạn sử dụng, bán với giá gần như cho.

Ví dụ như mặt hàng thịt bò Australia- theo nhiều nhà nhập khẩu- thì thịt bò chủ yếu là bò sữa ở nước ngoài đã qua vắt sữa nhưng không ăn thịt, sau đó chuyển sang bán cho Việt Nam… Điều này, phần nào minh chứng cho việc, thực phẩm đưa về Việt Nam phải chăng là đồ hết hạn, thải loại?

Không chỉ mất an toàn vệ sinh, có nguy cơ bào mòn sức khỏe con người mà để gà ngoại, nội tạng ngoại nhập ồ ạt vào Việt Nam- một đất nước 80% là sản xuất nông nghiệp- sẽ góp phần đẩy người sản xuất trong nước vào cảnh khó khăn. Nhập khẩu nông sản một cách dễ dãi chắc chắn sẽ góp phần rất lớn “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi- Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh kêu gọi: Phải ngăn chặn “rác thực phẩm” vào Việt Nam nếu muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ sản xuất trong nước. Cần sớm thông qua luật cấm nhập tất cả các sản phẩm thải loại, phế phụ phẩm gia súc, gia cầm!

HOÀNG HÀ