"Luồng gió mùa thu" năm ấy!

Cập nhật, 06:03, Thứ Năm, 06/09/2018 (GMT+7)

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, từ “Tết Độc lập” được dùng đầu tiên vào năm Bính Tuất (1946)- mùa xuân đầu tiên sau bao năm dưới xiềng xích phong kiến và thực dân, nhân dân ta thực sự được sống độc lập, tự do.

Mùa thu thứ 73 của một quốc gia độc lập, tự do và hòa bình- một nền hòa bình không phải là mặc nhận, mà là kết quả nỗ lực không ngừng của cả một dân tộc.

Mừng Quốc khánh, vui Tết Độc lập trong niềm hân hoan của những thành tựu ấn tượng trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, cũng là lúc để mỗi người nghĩ về khát vọng vươn tới của quốc gia.

Quốc khánh năm nay, cả nước vui mừng ngày Độc lập trong một tâm thế hết sức tự tin trước những thành quả đạt được trên mọi lĩnh vực.

Kinh tế tăng trưởng vượt 7%, cao nhất so với cùng kỳ 7 năm trở lại đây. Vị thế Việt Nam được nâng lên, tiếng nói của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực được khẳng định sau hàng loạt những thành công trên mặt trận ngoại giao, nhất là sau khi chúng ta tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lạc quan khẳng định khả năng hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kinh tế của năm nay. Không dám nói là một kỳ tích nhưng đó là kết quả đáng ghi nhận từ tinh thần kiến tạo- vì dân- vì doanh nghiệp của Chính phủ.

Nhất là trong bối cảnh đất nước còn không ít khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, bão lũ, nợ công tăng cao, vốn đầu tư phát triển hạn chế… Đó chỉ có thể là kỳ tích của ý chí và khát vọng vươn tới khi trên dưới đồng lòng.

73 năm chưa phải là dài nhưng có ý nghĩa to lớn với một dân tộc “sớm chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”. Để đất nước phát triển hơn, để xứng đáng với công lao của cha ông đi trước, mỗi chúng ta hôm nay phải ý thức hơn nữa về sự đóng góp của bản thân. 

HOÀNG HÀ