Nối dài cao tốc về miền Tây

Cập nhật, 06:12, Thứ Năm, 07/01/2021 (GMT+7)

 

Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2 nối với cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2 nối với cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

(VLO) 2 sự kiện trọng đại của ngành giao thông diễn ra trong những ngày đầu năm mới, đó là khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ và thông tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận. Như vậy, cùng với cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2023, việc vận hành 2 tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt nhằm tạo kết nối hoàn chỉnh cung đường về miền Tây, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Cần thiết và cấp bách

Dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc- Nam phía Đông đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2010 vừa được khởi công ngày 4/1/2021.

Trong đó, đoạn TP Hồ Chí Minh- Trung Lương đã đưa vào sử dụng; đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận đang được xây dựng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021.

Cùng với đó, dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng đang trong giai đoạn đầu tư, thi công và khi hoàn thành sẽ tạo thêm sự kết nối hoàn chỉnh hơn từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, rút ngắn thời gian đi dự kiến chỉ còn khoảng 2 giờ so với phải mất 3- 4 giờ nếu rơi dịp lễ, tết như hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương tại lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương tại lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Theo Bộ Giao thông- Vận tải, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ được thiết kế 100 km/h cho giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32m.

Giai đoạn một phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng cầu 17,5m, vận tốc 80 km/h. Tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023.

Thông tin về dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Nhật cho biết mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau về lựa chọn phương thức đầu tư công hay đối tác công- tư (PPP), nhưng với tính cấp thiết của dự án và tình hình huy động vốn PPP rất khó khăn, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh dự án từ PPP sang hình thức đầu tư công và cấp 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Và, trong thời gian ngắn đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án chuyển đổi chủ trương đầu tư; hoàn thành khối lượng công việc rất lớn từ phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công dự án đúng kế hoạch.

“Việc đầu tư đoạn cao tốc này là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc theo quy hoạch đã phê duyệt, góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến QL1 đã quá tải, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng- an ninh của các tỉnh ĐBSCL”- Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Trong khi đó, với dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình với tinh thần “Xuyên đêm”, “xuyên lễ, tết” và “xuyên dịch”, dự án từng đình trệ 10 năm cũng đã hoàn thành thông tuyến theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận, đến cuối năm 2020, dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51km đã được thông và đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại.

Phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình

Trưa 4/1/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã di chuyển thực nghiệm trên toàn tuyến cao tốc này từ nút giao cuối tuyến (huyện Cái Bè- Tiền Giang) về đến nút giao đầu tuyến (nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm kết nối vào cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương) và cắt băng thông tuyến kỹ thuật dự án.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2021, nhưng để giúp giảm tải cho QL1 và hạn chế ùn tắc giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và miền Tây dịp năm mới, các bên liên quan dự kiến sẽ cho xe lưu thông tạm trên cao tốc 10 ngày trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Phát biểu tại buổi lễ thông tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hạ tầng kết nối là một điểm nghẽn lớn của ĐBSCL, vùng có 13 tỉnh- thành và chiếm 12,3% diện tích toàn quốc, hiện là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước.

Tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chậm tiến độ nhiều năm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân ĐBSCL.

Thủ tướng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, có một số khó khăn lớn như: sự thay đổi chính sách pháp luật về đầu tư, thời tiết mưa lũ kéo dài, diễn ra dịch COVID-19, khu vực có nền đất yếu, vật liệu khan hiếm…

Đoàn công tác của Chính phủ cắt băng thông tuyến kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Đoàn công tác của Chính phủ cắt băng thông tuyến kỹ thuật dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

Tuy nhiên, với lời hứa trước hơn 20 triệu người dân ĐBSCL là sẽ thông tuyến cao tốc này trước Tết Nguyên đán năm nay, nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến công trường dự án để kiểm tra, thúc đẩy tiến độ và động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân đang trực tiếp thi công tại công trường.

Với việc thông tuyến đúng kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, đồng thời nhấn mạnh: “Không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ Trung ương tới địa phương; khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh, các đơn vị có liên quan, sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật cần thiết”.

Tại sự kiện này, Thủ tướng cũng đánh giá cao 4.000 hộ dân đã di dời, nhường đất cho dự án, đặc biệt không xảy ra khiếu kiện trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng.

Cho rằng, khối lượng công việc của giai đoạn 2 còn rất lớn, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021 để khánh thành tuyến cao tốc mẫu mực này với tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc chuyển dự án này từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công là nhằm giảm gánh nặng chi phí cho ĐBSCL, giảm chi phí cho xuất khẩu nông sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải, đơn vị thiết kế, giám sát, tư vấn và thi công phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình tốt nhất. Không để tình trạng làm trước hỏng sau, chất lượng kém. Các tỉnh cũng phải quan tâm sớm tạo đời sống mới để nhân dân vui lòng giao mặt bằng theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đề nghị Bộ Giao thông- Vận tải sớm khởi công tuyến tránh Long Xuyên, nhằm góp phần cùng các công trình giao thông quan trọng, chiến lược của cả nước đã được đầu tư hiệu quả. Đặc biệt là phải thực hiện cho xong tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ, khánh thành vào năm 2022 như cam kết. Đề nghị các bộ, ngành địa phương phải nghiên cứu, chuẩn bị để khởi công đường ven biển Tây, biển Đông và cao tốc Cần Thơ- Cà Mau theo đúng cam kết với người dân trong khu vực.

***

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Lữ Quang Ngời

Tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ khi hoàn thành sẽ giải quyết nhu cầu vận tải trên tuyến QL1, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho chủ đầu tư nhằm triển khai hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: H.MINH- T.ANH