Xuân về trên công trường cao tốc

Cập nhật, 07:40, Thứ Sáu, 01/01/2021 (GMT+7)

 

Tết này người dân về miền Tây sẽ về quê trên cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Tết này người dân về miền Tây sẽ về quê trên cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

(VLO) Nếu tháng 12 này khởi công tuyến đường Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, thì tại công trường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận cũng đang diễn ra cuộc “chạy đua” về thời gian để kịp ngày thông tuyến và đưa khai thác vào cuối năm. Đây là những thông tin vui như tết cho những người làm ăn xa “dìa quê ăn tết” và nhất là hơn 20 triệu cư dân ĐBSCL sau hơn thập kỷ chờ đợi, khi tuyến cao tốc duy nhất của vùng nối dài về phía cực Nam Tổ quốc, bất chấp mọi khó khăn trở ngại...

“Cuộc đua” trên những cao tốc

Khởi công từ năm 2009, nhưng đến cuối năm 2019 cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận mới được “tái sinh” chuyển mình và tăng tốc. Điểm nghẽn lớn nhất khiến công trình trải qua khoảng 10 năm thăng trầm chính là nguồn vốn.

Theo dự toán được điều chỉnh, dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT. Thấu hiểu những khó khăn, sau 2 tháng, Thủ tướng trao quyết định phân bổ vốn ngân sách cho dự án là 1.390 tỷ đồng.

Đến giữa tháng 12/2019, các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết đầu tư cao tốc này theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận (chủ đầu tư).

Dù trên lý thuyết chưa đầy đủ, nhưng sự ách tắc phần nào đã được khai thông, giúp cho công trình đẩy nhanh tiến độ. Thời điểm đó, không khí tết đã về khắp mọi nhà thì nơi đây các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài, hăng say làm việc, cùng đón tết tại công trường.

Tiến độ dự án nhanh chóng được đẩy nhanh một cách ấn tượng. Nếu trước đó dự án chỉ thực hiện khoảng 10% khối lượng thì chỉ sau vài tháng tái khởi động đã tăng thêm 17%. Và đến trước ngày thông tuyến vào cuối tháng 12/2020 này khoảng 1 tháng khối lượng đã đạt trên 70%.

Có mặt tại công trường những ngày giáp tết Tân Sửu 2021, chúng tôi cảm nhận một cuộc đua thực sự về thời gian và tiến độ thực hiện.

34/36 gói thầu xây lắp trên toàn dự án đã triển khai thi công; hàng trăm phương tiện, thiết bị cùng đội ngũ hàng ngàn nhân công tổng lực được huy động ngày đêm thi công để kịp thông tuyến và thông xe như chủ ĐT cam kết.

Tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang)- nơi giao nhau giữa điểm cuối cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương và Trung Lương- Mỹ Thuận đã nên hình hài.

Ông Hoàng Minh Đức- kỹ thuật hiện trường gói thầu- cho biết, bão lũ gần đây có phần ảnh hưởng đến tiến độ thi công như đường vận chuyển vật tư sình lầy khó khăn tập kết vật tư… Dù vậy, ban điều hành đã cùng các nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm mọi biện pháp để khắc phục.

Gói XL07 có những cầu phải vượt sông, hàng trăm công nhân phải thay phiên làm 3 ca ngày đêm thi công để đạt được tiến độ trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến khan hiếm vật liệu xảy ra toàn miền Tây cùng với đại dịch COVID-19 tác động…

Tết này, đường về miền Tây thông thoáng hơn

Để tỏ rõ quyết tâm thông tuyến dự án vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào dịp 30/4/2021 theo chỉ đạo, trước đó khoảng 2 tháng chủ đầu tư đã lắp bảng đếm ngược số ngày còn lại đến thời điểm thông tuyến dự án tại vị trí đầu tuyến; đồng thời gắn camera giám sát thi công ngay tại công trường.

Cùng với việc đảm bảo tiến độ thực hiện, chủ đầu tư cũng hết sức chú trọng kiểm tra giám sát và thẩm định chất lượng từng hạng mục công trình các đơn vị thi công. Kiên quyết không chạy theo tiến độ trước mắt mà xem nhẹ chất lượng lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận cho biết đã ban hành quy trình kiểm soát chất lượng, đồng thời sẽ tăng cường lực lượng giám sát của chủ đầu tư song hành đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị quản lý dự án.

Hàng tuần, có những đánh giá chất lượng và đối với những thành phẩm không đạt chất lượng kiên quyết loại bỏ, đảm bảo tuyến đường vừa chất lượng và đạt thẩm mỹ cao.

Tuyến cao tốc có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế- xã hội của ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vì vậy, tại buổi thị sát dự án này hồi cuối tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Khánh thành công trình năm 2021, thông xe cuối năm 2020 là không thay đổi. Tất cả điều kiện mà địa phương đề nghị đã được giải quyết hết. Tinh thần là không lôi thôi, nhà thầu nào bàn lùi cho rút lui, ngân hàng nào bàn lùi cho nghỉ luôn không tham gia nữa. Một tinh thần quyết liệt như vậy!”

Chỉ đạo này như hồi trống lệnh, đồng thời cũng làm nức lòng hàng triệu trái tim người dân ĐBSCL sau thập kỷ chờ đợi công trình.

Càng “vui như tết”, là để hỗ trợ giải tỏa ùn tắc trên QL1 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các hạng mục cơ bản trên tuyến chính trong tháng 12/2020, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Có thể nói, sau khi vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, “cuộc đua” trên cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang dần tiến về đích; “cơn khát” cao tốc này sắp thành hiện thực.

“Quyết không lỗi hẹn với người dân vùng ĐBSCL”- là cam kết rất đáng tin và có giá trị của chủ đầu tư. Bởi, công trình không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho mỗi chuyến xe, mỗi lượt người qua lại, mà là giá trị vĩnh cửu bao đời cha ông mơ ước để kinh tế ĐBSCL có điều kiện cất cánh, vươn lên cùng đất nước.

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè- Tiền Giang), sẽ hoàn thành thông xe vào cuối năm 2020 và đưa vào khai thác năm 2021. Cao tốc này sẽ kết nối cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ (trong đó, có dự án cầu Mỹ Thuận 2) phải thông xe vào cuối năm 2022 và đưa vào sử dụng vào năm 2023. Khi các dự án hoàn thành sẽ tạo ra một trục cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km và tiết kiệm khoảng 2 giờ đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ so với tuyến QL1.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

TIN LIÊN QUAN