Tiết kiệm chi mới đảm bảo nguồn thu

Cập nhật, 05:08, Thứ Bảy, 07/07/2018 (GMT+7)

Theo TTXVN, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm ước đạt 582,1 ngàn tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 462,7 ngàn tỷ đồng, bằng 42,1%; thu từ dầu thô 27 ngàn tỷ đồng, bằng 75,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 92 ngàn tỷ đồng, bằng 51,4%.

Còn tổng chi NSNN ước tính đạt 586 ngàn tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 416 ngàn tỷ đồng, bằng 44,2%; chi trả nợ lãi 55,9 ngàn tỷ đồng, bằng 49,7%; riêng chi đầu tư phát triển mới bằng 27,8% dự toán năm tương ứng với 111,1 ngàn tỷ đồng.

Tuy thu NSNN tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ đạt dự toán chưa cao. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán, từ các doanh nghiệp ngành viễn thông cũng chỉ đạt 34,3% dự toán.

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 36,8%...

Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn của một số bộ, ngành, địa phương 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm và đạt cao hơn so với tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp: 35/56 bộ, ngành và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn 25%.

Cá biệt, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.

15 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao (gần như chưa giải ngân với mức giải ngân rất thấp: 1,6% và 4,2%). Ngoài ra, một số bộ có số vốn kế hoạch lớn trong năm cũng giải ngân rất chậm khi “ghi danh” vào top 15 bộ ngành giải ngân thấp như: Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch- Đầu tư...

PV