285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 11:46, Thứ Năm, 20/04/2017 (GMT+7)

Phong trào đấu tranh chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (1930- 1954)

Thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Vĩnh Long

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì cuối tháng 2/1930, BCH lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Kỳ (Xứ ủy Nam Kỳ) cũng được thành lập.

Tháng 3/1930, đồng chí Châu Văn Liêm- Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ đến Vĩnh Long, tổ chức hội nghị ở Ngã tư Long Hồ, chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Ngã tư Long Hồ thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng thời, tờ báo Lao Khổ cũng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm chủ bút. Đến cuối năm 1930, có thêm các chi bộ Mỹ Hưng, An Hưng, Phú Lộc Cựu, Phú Lộc Đồng (Tam Bình),…

Trên cơ sở đó, tháng 2/1931, BCH Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Vĩnh Long được thành lập, do đồng chí Ngô Văn Chính làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Nhung làm Phó Bí thư. Sau một tuần lễ, đồng chí Ngô Văn Chính được rút lên Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư.

Phong trào đấu tranh chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long

Sau khi được thành lập, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã lãnh đạo các chi bộ tập hợp nhân dân vào các hội tương tế, các nông hội đỏ,… nhằm đoàn kết nông dân và xây dựng khối liên minh công nông;

giác ngộ, hướng dẫn và tổ chức quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế trước mắt, chống sưu thuế, thu tô quá nặng, kết hợp với khẩu hiệu chống thực dân, phong kiến với nhiều hình thức như tuyên truyền, mít tinh, rải truyền đơn…

Với nội dung và mục tiêu trên, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra ở Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam:

Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5), cuối tháng 4 đầu tháng 5/1930, các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Vĩnh Long đã phát động quần chúng rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở những khu vực ngã ba, ngã tư đường giao thông thủy bộ và những nơi công cộng như chợ búa, trường học, trụ sở chính quyền trên địa bàn tỉnh lỵ Vĩnh Long và các quận Tam Bình, Vũng Liêm, Long Hồ, thị trấn Cái Ngang.

Ngày 1 và 2/5/1930, tại làng Vĩnh Xuân (Trà Ôn) đã diễn ra cuộc mít tinh tuần hành đòi dân sinh, dân chủ với các khẩu hiệu “Chia lại ruộng đất cho dân nghèo”; “Bỏ thuế đuôi chuột và phạt vạ vô lý”; “Đả đảo địa chủ bóc lột tô tức”; “Đả đảo đế quốc Pháp và tay sai”…

Ngày 5 và 6/5/1930, khoảng 2.000 người thuộc nhiều tầng lớp đã từ Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm,… đổ về Ngã tư Long Hồ giương cao biểu ngữ “Tinh thần ngày 1 tháng 5 muôn năm”; “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”; “Đả đảo đế quốc Pháp và quan làng tay sai”; “Giảm thuế cho dân nghèo”.

Sau đó, ông Châu Văn Sanh (Công tử Lời) dẫn đầu đoàn biểu tình từ Ngã tư Long Hồ tiến về tỉnh lỵ Vĩnh Long.

Đến Văn Thánh miếu, đoàn biểu tình bị lính Pháp chặn đường và nổ súng làm 8 người chết và 60 người bị thương. Ông Châu Văn Sanh bị bắt, sau đó bị đày ra Côn Đảo.

Tháng 6/1930, nổ ra cuộc mít tinh ở Long Đức và Long An; đầu tháng 7, ở gò Cỏ Ống, xã Mỹ Thạnh Trung và Loan Tân; tháng 8/1930 xảy ra ở đình Phú Lộc và chợ Cái Ngang; tháng 10/1930, mít tinh và rải truyền đơn ở Tường Lộc; ở Hòa Bình, Thới Hòa, nhân dân vào tận trụ sở xã đốt hết giấy tờ của chính quyền,…

Trước phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thực dân Pháp tập trung lực lượng khủng bố, truy lùng những người cộng sản. Ngày 5/4/1931, Pháp tấn công và bao vây cơ quan Tỉnh ủy Vĩnh Long ở cầu Lầu, bắt Bí thư Nguyễn Văn Nhung và các tỉnh ủy viên khác.

Đầu tháng 5/1931, Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa tổ chức lại thì đầu tháng 6, thực dân Pháp lại tấn công ở ngã ba đi Cần Thơ, bắt Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiễn và hầu hết các tỉnh ủy viên; đồng thời khủng bố nặng Quận ủy Tam Bình và Tổng ủy Bình Long. Cuối tháng 6/1931, Tỉnh ủy Vĩnh Long mới được tổ chức lại do Đặng Văn Quang làm Bí thư.

- Điển hình các phong trào chống Pháp giai đoạn 1930- 1954 là phong trào Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Vĩnh Long.

Đầu tháng 11/1940, kế hoạch khởi nghĩa ở tỉnh Vĩnh Long và các quận đã được vạch ra. 22 giờ ngày 22/11/1940, các lực lượng khởi nghĩa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã ở vị trí sẵn sàng tác chiến, thống nhất 12 giờ đêm là tiến công khởi nghĩa theo kế hoạch.

Nhân dân ở các huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đồng lòng đứng lên khởi nghĩa. Ở Tam Bình, lực lượng khởi nghĩa đồng loạt tiến công ở 3 mũi chiếm được trại lính và bao vây dinh quận suốt 4 giờ liền, làm chủ thị tứ Cái Ngang 17 giờ liền.

Ở Vũng Liêm, đúng 12 giờ đêm 22/11/1940, lực lượng khởi nghĩa có 80 người, do đồng chí Nguyễn Thị Hồng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm- chỉ huy đã tiến công dinh quận, trại lính, bưu điện.

Binh lính địch và Quận trưởng Hải hoảng sợ chạy trốn. Lực lượng khởi nghĩa chiếm trại lính, thu vũ khí, thiêu hủy hồ sơ sổ sách và đốt dinh quận. Chỉ trong vòng 90 phút, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ toàn bộ quận lỵ Vũng Liêm. Lần đầu tiên cờ cách mạng tung bay ở quận lỵ Vũng Liêm… Thực dân Pháp hoảng sợ, huy động lực lượng các nơi đến đàn áp.

Tuy cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã không chiếm được tỉnh lỵ Vĩnh Long nhưng đã uy hiếp, tấn công đồng loạt ở nhiều nơi trong tỉnh.

Quân khởi nghĩa đã chiếm lĩnh và làm chủ quận lỵ Vũng Liêm trong 8 giờ liền; cùng lúc tấn công quận lỵ Tam Bình và nổi dậy giành quyền làm chủ thị trấn Cái Ngang trong 17 giờ;

đánh chiếm đồn bót, tề xã các làng Trung Ngãi, Ngã tư Nhà Đài, Gò Ân, Nước Xoáy, Trà Luộc, giết chết một đồn trưởng, làm bị thương Chánh tham biện Trà Vinh và tên quan hai Pháp, phá sập 6 cầu sắt, kéo đổ hàng chục cột điện, đốt phá 3 trụ sở, dựng chướng ngại vật, cắt đứt giao thông nhiều tuyến đường...

Ở cù lao Quới Thiện, 3 ngày sau, địch phải huy động cả máy bay, tàu chiến mới chiếm lại được.

(Còn tiếp)