285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 11:10, Thứ Tư, 19/04/2017 (GMT+7)

Phong trào yêu nước của nhân dân Vĩnh Long từ 1867-1885

Từ trước năm 1867, nhân dân Vĩnh Long đã tham gia các cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Trương Định, Thiên Hộ Dương,…

Đến khi thực dân Pháp chiếm đóng Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên thì hoạt động chống Pháp của nhân dân Vĩnh Long càng mạnh mẽ.

Trước hết là phản ứng của nhân dân ven thành Vĩnh Long và các vị đốc học ở học xá Vĩnh Long ngay trong ngày 20/6/1867.

Tiếp đó là một số sĩ phu quyết không chung sống với Pháp, bỏ đi bằng đường biển ra Bình Thuận, tổ chức Đồng Châu Xã và gây dựng căn cứ Tánh Linh ở Trung Kỳ, tiếp tục chống Pháp, trong đó có đốc học Nguyễn Thông. Khá đông sĩ phu còn ở lại đã tham gia phong trào nổi dậy chống Pháp của nhân dân lục tỉnh.

Từ cuối năm 1867, đồng bào và sĩ phu ở Vĩnh Long đã đứng lên tham gia các cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra trên địa bàn 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ như: Khởi nghĩa do Phan Tôn, Phan Liêm lãnh đạo, nổ ra ở vùng Hoằng Trị (Bến Tre ngày nay) vào tháng 8/1867, lan rộng khắp vùng Định Tường- Vĩnh Long.

Cuộc khởi nghĩa lớn nhất trên đất Vĩnh Long vào giai đoạn này là cuộc khởi nghĩa do đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao và Phó Mai lãnh đạo. Khởi nghĩa bùng nổ vào những năm 1870, khởi đầu ở tại Vĩnh Trị (nay là huyện Vũng Liêm) sau đó lan tỏa một vùng rộng lớn và có ảnh hưởng đến nhiều cuộc khởi nghĩa tiếp sau.

Cuộc khởi nghĩa này có hai chiến công vang dội là trận tiến công vào trụ sở địch ở Vũng Liêm và trận phục kích địch ở Cầu Vông (xã Trung Ngãi thuộc Vũng Liêm).

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp và tay sai tăng cường bắt bớ và trả thù những người yêu nước trên địa bàn Vĩnh Long, khiến cho những hoạt động chống Pháp ở đây tạm lắng xuống.

Mặc dù vậy, ngọn lửa đấu tranh của những người yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược và chống bọn địa chủ phong kiến tay sai được thắp sáng từ nhiều thập kỷ trước, vẫn tiếp tục cháy âm ỉ trên đất Vĩnh Long và được tiếp dưỡng thêm từ những năm đầu thế kỷ.

Lúc này, hoạt động của những trí thức tiến bộ, đặc biệt là những nhà giáo yêu nước đã có vị trí quan trọng, tạo tiền đề cho sự chuyển mình mới của phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn này từ đầu thế kỷ XX.

Phong trào đấu tranh cách mạng ở Vĩnh Long trước khi có Đảng

Một trong các cuộc đấu tranh theo con đường vô sản đầu tiên của những người yêu nước ở Vĩnh Long thời kỳ này là phong trào của những du học sinh của Phong trào Đông Du sang Nhật mà tiêu biểu là Huỳnh Hưng, Lý Liễu …

Đây là những người con của Vĩnh Long đã lên đường theo cuộc vận động Đông Du. Trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, nhiều chiến sĩ cách mạng từ quê hương Vĩnh Long đã từng tham gia hoạt động và gây cho chính quyền thực dân nhiều bất ổn.

Tại Quảng Châu, Lý Liễu đã cùng với các bạn của mình mua sắm nhiều loại vũ khí và chuẩn bị chuyển về nước để tổ chức kháng chiến, nhưng do bại lộ Pháp đã nhờ cảnh sát thực dân Anh tại Hàng Châu (Trung Quốc) vây bắt, kết án tù và đày đi Côn Lôn hoặc Guyane.

Cùng thời gian này, tại Vĩnh Long, chịu sự ảnh hưởng của các đảng viên, hội viên các Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, An Nam Cộng Sản Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tại các địa phương cũng được các giới lãnh đạo tổ chức giác ngộ và chuyển hướng từ các phong trào đấu tranh, hoặc các tổ chức xã hội mang tính chất nghề nghiệp, như Hội Minh Sư ở Vĩnh Long, Hội Thuốc Bắc yêu nước ở Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn… chuyển thành các Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào những năm 1928- 1929.

(Còn tiếp)