285 năm Long Hồ dinh- tỉnh Vĩnh Long

Một số hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của Long Hồ dinh

Cập nhật, 19:26, Thứ Ba, 18/04/2017 (GMT+7)

- Dưới thời các chúa Nguyễn, dinh Long Hồ có vị trí rất quan trọng, nơi trung tâm, trung chuyển giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ qua Mỹ Tho tới Gia Định.

Chúa Nguyễn đã thiết lập trên lỵ sở địa bàn dinh Long Hồ nhiều điểm đồn trú của binh lính như đồn Vàm Thủ, Quới Thiện; đồn Uy Viển, vàm Trà Ôn; đồn Thanh Mỹ ở phà Cổ Chiên. Nơi đây được xem là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn ở phía Tây Nam Tổ quốc.

- Dưới thời triều Nguyễn, trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ, công tác thủy lợi giữ vai trò rất quan trọng. Triều đình Nhà Nguyễn cho đào những con kinh, đắp đê tạo liên lạc với các vùng đất mới.

Trong đó, công trình thủy lợi mang dấu ấn lịch sử lớn nhất là kinh Thoại Hà nối Long Xuyên- Rạch Giá (đào năm 1818, dưới thời vua Gia Long) và kinh Vĩnh Tế với chiều dài gần 90km xuất phát từ bờ Tây sông Châu Đốc, tiếp giáp với sông Giang Thành- Hà Tiên (dưới thời vua Minh Mạng).

Đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, gắn liền với tên tuổi của Trấn thủ Vĩnh Thanh- Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).

Người Việt, người Khmer, người Hoa ở Vĩnh Long đã tạo nên một kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú và đa dạng như ca dao, dân ca hò vè, đờn ca tài tử… Các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa mỗi dân tộc có tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán riêng.

Vĩnh Long có thể tự hào dưới các vua triều Nguyễn đã có nhiều người sáng danh khoa bảng, học thức uyên thâm, nhiều thầy giáo đức tài nghĩa khí, mẫu mực kiệt xuất như:

Phan Thanh Giản (1796- 1867), Nguyễn Thông (1827-1884), Huỳnh Mẫn Đạt (1807- 1883), Bùi Hữu Nghĩa (1828- 1864), Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), Trương Vĩnh Ký (1837- 1898)… cùng biết bao thế hệ học trò do các thầy giáo kể trên đào tạo ra kế tiếp nhau phụng sự cho quê hương đất nước.

Có nhiều công trình văn hóa của nhân dân các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã trở thành di sản văn hóa lịch sử quốc gia còn lưu giữ đến ngày nay như:

Văn Thánh Miếu xây dựng (1864); đình Long Thanh (1754), chùa Tiên Châu (1740), chùa Phước Hậu (1850), Lăng Ông Thống Chế Điều Bác (1820), đình Tân Hoa (1850), đình Thành Lợi (1848), chùa Minh Hương (1811), thành Vĩnh Long (1813), nhiều súng thần công và sắc phong thần của triều Nguyễn...

Năm 1836, vua Minh Mạng cho lập địa bạ, hoàn chỉnh bộ máy quản lý từ tỉnh, phủ, huyện tổng, thôn (xã).

Các thiết chế văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian của người Việt, người Khmer, người Hoa được hình thành, các đình làng am miếu của đạo giáo, chùa Phật (Nam, Bắc tông) được xây dựng, thể hiện sự ổn định xã hội và thực thi chủ quyền của chính quyền Việt Nam trên vùng đất mới.

Có thể nói Long Hồ dinh ra đời (năm 1732) đã định vị một cột mốc rất quan trọng đối với phương Nam về mặt địa lý, quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa.

Long Hồ dinh dưới thời các chúa Nguyễn, sau này dưới thời triều Nguyễn và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn là vùng đất minh chứng cho tình đoàn kết keo sơn, gắn bó thủy chung của ba dân tộc Kinh- Hoa-Khmer từ những ngày khai hoang, lập ấp, cùng nhau chống giặc ngoại xâm, gìn giữ bờ cõi do cha ông gầy dựng.

(Còn tiếp)