Cần lộ trình cho tiêu chí thu nhập

Cập nhật, 13:36, Thứ Tư, 22/02/2017 (GMT+7)

Thống kê của BCĐ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh tỉnh, đến cuối năm 2016 Vĩnh Long có 48/89 xã đạt tiêu chí thu nhập (chiếm 54%); 72% xã đạt tiêu chí hộ nghèo; 100% xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; 100% xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất;...

Tuy nhiên, phía sau những con số đáng khích lệ ấy đang đặt ra nhiều vấn đề mà trong xây dựng NTM vẫn cần tiếp tục suy nghĩ.

Nhiều lao động nông thôn có việc làm, nhưng để đạt chuẩn 49 triệu đồng/người/năm không phải dễ.
Nhiều lao động nông thôn có việc làm, nhưng để đạt chuẩn 49 triệu đồng/người/năm không phải dễ.

Tiêu chí khó vẫn còn khó

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, hiện Vĩnh Long đã có 25 xã NTM. Đó là sự tập trung dồn sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, thực hiện phương châm “Tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau”. Trong các tiêu chí khó nhất, tốn tiền và thời gian nhiều nhất được xác định là trường học, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi…

Các tiêu chí này tuy đã khó, nhưng phần lớn các địa phương đều được sự hỗ trợ của cấp trên, nên cấp huyện, xã chỉ cần tập trung tổ chức triển khai tốt.

Điều đáng quan tâm hơn là từ nay, sẽ có những quy định cho từng tiêu chí (luôn có sự thay đổi) để không ngừng đáp ứng yêu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân phải được nâng lên.

Đối với tiêu chí (số 1) quy hoạch, sau giai đoạn 1 (năm 2011- 2015) tổ chức thực hiện, nhiều địa phương cũng phát sinh những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của giai đoạn mới.

Tiêu chí (số 2) giao thông, khi công nhận chỉ cần có 50% đường liên ấp đạt chuẩn thì đủ điều kiện để công nhận xã NTM. 50% còn lại đến nay nơi nào tổ chức vận động tốt thì phát triển thêm, đối với những địa phương khó khăn, thiếu tích cực thì vẫn còn những đoạn đường, phần việc chưa hoàn thành.

Về thủy lợi (tiêu chí số 3), nhiều xã cũng chưa thực hiện kiên cố hóa cống, đập 100% nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế tại địa phương.

Tiêu chí (số 6) cơ sở vật chất văn hóa, phần nhiều mỗi xã chỉ hoàn thành được trung tâm văn hóa thể thao xã và 1 cụm văn hóa thể thao liên ấp, trong khi nhiều ấp còn lại vẫn chưa có nhà văn hóa thể thao đạt chuẩn theo quy định,…

Khi đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, các địa phương đều hứa quyết tâm tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực để nâng chất hoàn thiện các tiêu chí để giữ vững danh hiệu xã NTM.

Nhưng nhiều nơi đang vướng phải không ít khó khăn về thực hiện cam kết này. Sau lễ công nhận chuẩn chất xã NTM, chưa thể nâng cao lên như mong đợi, do nguồn lực của trên đầu tư không còn.

Tiêu chí dễ nay cũng không dễ

Chuyển giao khoa học công nghệ cho cây lúa được nhiều địa phương quan tâm.
Chuyển giao khoa học công nghệ cho cây lúa được nhiều địa phương quan tâm.

Báo cáo của các địa phương, đến cuối năm rồi có hơn 50% xã đạt tiêu chí thu nhập. Nhưng theo lộ trình chung của BCĐ Trung ương về xây dựng NTM, mỗi năm xã đạt chuẩn NTM phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước 4 triệu đồng.

Theo đó, năm 2016 là 33 triệu đồng; năm 2017 là 37 triệu đồng; và đến năm 2020 phải đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Với tình hình sản xuất như hiện nay, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cơ cấu sản xuất và hình thức sản xuất trong nông nghiệp, cũng như các hình thức sản xuất khác đang đặt ra nhiều vấn đề mà các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm.

Bởi tình hình sản xuất nông nghiệp những năm gần đây luôn gặp không ít khó khăn và tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm; mặt bằng lao động, việc làm, tiền công, tiền lương, thu nhập thực tế ngoài lương của người lao động hàng năm cũng tăng không đáng kể.

Tính trung bình một hộ gia đình có 5 người thì thường có 2 lao động chính, 1 lao động phụ và 2 người sống phụ thuộc.

Nếu hộ này có 1ha đất ruộng, sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm; sản xuất thuận lợi, trúng mùa, trúng giá, có thể lời khoảng 150 triệu đồng/năm, như vậy mỗi người được 30 triệu đồng/năm.

Nhưng trên thực tế, số hộ sản xuất nông nghiệp có 1ha đất không nhiều và lợi nhuận cao hơn mức vừa nêu cũng chiếm tỷ lệ không nhiều.

Ở xã NTM, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%, nhưng đa số cũng là lao động giản đơn trong các cơ sở, làng nghề thủ công mỹ nghệ, hầu hết thu nhập bình quân xấp xỉ 30 triệu đồng/năm.

Còn lao động trực tiếp tại một số doanh nghiệp làm ăn phát triển, thu nhập bình quân cũng đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Vậy nếu có 2 người làm, nuôi 2 người phụ thuộc thì cũng chỉ đạt mức 35 triệu đồng/người/năm.

Nếu là lực lượng vũ trang (quân đội, công an) nhân lên 1,8 lần mức bình quân của lao động công chức, viên chức nhà nước thì mức thu nhập trên 40 triệu đồng/người/năm.

Còn nếu lao động là công chức, viên chức có thời gian làm việc khoảng 10 năm, có mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng và 1 người làm nuôi thêm 1 người, thì mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 24 triệu đồng/người/năm.

Từ những cơ sở phân tích nêu trên, muốn đạt mục tiêu thu nhập 49 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 ở xã NTM, nhất thiết phải tạo ra được một quy trình sản xuất theo chuỗi liên kết tiên tiến, tạm gọi là nông nghiệp công nghệ cao, mà đa số hộ dân nông thôn phải là thành viên của quy trình sản xuất ấy.

Một bộ phận đi hợp tác lao động ngoài nước, sẽ có được nguồn thu tích lũy để đầu tư khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước, mở cơ sở làm ăn, kinh doanh có thể có thu nhập cao.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT