Dài lo mùa hạn, mặn liên tiếp nhau

Cập nhật, 05:37, Thứ Tư, 22/02/2017 (GMT+7)

Năm 2016, Vũng Liêm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong diễn biến được xem là biến đổi khí hậu so với các huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Dẫu đã qua và mùa hạn, mặn năm nay mới vừa tới tuy chưa diễn biến phức tạp, nhưng “tồn dư” của mùa hạn, mặn cũ vẫn còn ảnh hưởng tới hiện giờ.

Ảnh hưởng liên hoàn bởi hạn, mặn

Tại Ấp 7 (xã Trung Ngãi), ông Lê Văn Phát cho biết, mặn đầu năm ngoái chẳng những ảnh hưởng trong thời điểm đó mà còn kéo dài đến tận bây giờ. Minh chứng là vụ Hè Thu rồi, lúa đồng này năng suất chỉ 7-8 bao lúa/công (15-16 giạ/công 1.000m2).

Hay như vụ Đông Xuân mới vừa qua, năng suất cũng chỉ 12- 13 bao lúa/công (24-25 giạ/công). Theo ông Phát, cá biệt có nhà cắt sớm lúa đổ ngã, thu hoạch 8-9 bao lúa/công, dù trong vụ lúa Đông Xuân. Nhà ông có 5 công vườn, 5 công ruộng đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn như vậy nên ông kết luận: “Thua luôn!”

Ông Trần Văn Hoàng “lấy ngắn nuôi dài” với hoa màu trên mảnh ruộng vừa xong vụ Đông Xuân, song không ăn thua.
Ông Trần Văn Hoàng “lấy ngắn nuôi dài” với hoa màu trên mảnh ruộng vừa xong vụ Đông Xuân, song không ăn thua.

Ông Trần Văn Hoàng (ấp Giồng Ké, xã Trung Ngãi) đang cuốc khoảnh đất non một công trên mảnh ruộng 3 công sát mé kinh nội đồng để trồng rau cải.

Ông nói tết rồi thì trồng bông cúc, vạn thọ bán cũng được 13 triệu đồng vui đón tết. Kiểu “mùa nào thức nấy”, “lấy ngắn nuôi dài”, giờ ông xoay qua trồng xà lách, diếp cá, rau thơm bỏ mối chợ.

Như các mùa trước, tầm 20 ngày đến một tháng nhà ông cắt một lần, bỏ mối thu được trên dưới 3 triệu đồng.

“Xoay xở cách đó cho 2 đứa con đang học ở Vĩnh Long. Chứ làm lúa bây giờ thời tiết bất lợi, có khi không có ăn mà còn thua nữa!”- ông Hoàng tính toán.

Ông Đoàn Văn Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Ngãi- nói năm ngoái xã bỏ vụ 3 (Thu Đông) khoảng 750ha.

Đến vụ Đông Xuân, do vẫn còn ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn bất thường hồi đầu năm, nên năng suất lúa bị giảm sút, ước khoảng 5-5,5 tấn/ha. Trong khi vụ này thường trúng mùa với 7-8 tấn/ha.

Nói về mùa hạn, mặn năm ngoái, ông Huỳnh Văn Vũ- Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông- khẳng định tới giờ vẫn còn ảnh hưởng. Như cây lác, mặn vừa phải (tầm 3-4‰) thì cây lác sống khỏe, phát triển.

Nhưng nếu cao hơn thì sẽ bị ảnh hưởng. “Mặn cao, ngay tại lúc đó cây lác không chết ngay, nhưng mùa mặn đi qua và độ mặn vẫn còn lưu dẫn trong đất, sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất cây lác mùa sau”- ông Vũ dẫn chứng.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Vũ, cây lúa ở xã cũng bị ảnh hưởng (năng suất, sản lượng) tương tự như các xã “phên giậu” khi mặn xâm nhập gồm Trung Thành Đông, Trung Ngãi, Trung Nghĩa. Không chỉ vậy mà còn hoa màu, cây ăn trái, đời sống sinh hoạt bà con cũng bị ảnh hưởng nữa.

Chính quyền huyện ước tổng thiệt hại do thiên tai là hạn, mặn trên địa bàn hơn 225 tỷ đồng, cụ thể ở vụ Đông Xuân 2015- 2016; vụ Hè Thu ảnh hưởng gần 1.800ha lúa đòng trổ; cây màu; và nhiều nhất là diện tích vườn cây ăn trái.

Con số này được UBND huyện báo cáo với đoàn lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng trong buổi làm việc hồi tháng 12/2016 về ảnh hưởng hạn, mặn.

Mùa hạn, mặn tiếp tục phức tạp

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương, những tháng đầu năm 2017, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino gây khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng khắp các tỉnh vùng ĐBSCL.

Cống Nàng Âm đang được cho nước ra vô (ảnh chụp ngày 17/2/2017), thời điểm mặn đã có nhưng còn thấp.
Cống Nàng Âm đang được cho nước ra vô (ảnh chụp ngày 17/2/2017), thời điểm mặn đã có nhưng còn thấp.

Trong đó tỉnh Vĩnh Long, địa bàn Vũng Liêm tiếp tục bị hạn, mặn vào sâu nội đồng, khả năng gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân.

Theo ông Đoàn Văn Thảo, những ngày qua độ mặn ngoài sông đã có, tuy nhiên không nhiều. Cống Rạch Bàng phía huyện Càng Long quản lý đã đóng, nhằm kiểm soát nguy cơ mặn có thể vào các kinh và vào nội đồng.

“Dù độ mặn thấp hay cao thì khi đã vô sâu nội đồng rồi thì ảnh hưởng đến lúa, cây ăn trái, hoa màu là chắc chắn”- ông Thảo giải thích.

Ông Huỳnh Văn Vũ cũng nói mặn các tháng đầu năm nay đã ghi nhận, nhưng chưa cao. Đo thời điểm gần đây nhất khoảng 0,2‰. Cống Nàng Âm đang mở, thả nước ra vô cho bà con canh tác,
trữ nước.

Báo cáo với đoàn kiểm tra của tỉnh về công tác phòng chống hạn, mặn năm 2017, UBND huyện Vũng Liêm cho hay năm nay sẽ phối hợp với tỉnh triển khai thi công 7 công trình phòng chống thiên tai với tổng kinh phí 53,3 tỷ đồng; xây dựng kế hoạch thi công 8 công trình với kinh phí 4,2 tỷ đồng; chỉ đạo UBND các xã nạo vét 100.000m3 kinh nội đồng với chiều dài 100km, kinh phí ước 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân đóng góp kinh phí đóng mới nắp cống ngăn mặn, giữ ngọt với 500 cống tròn; tích trữ nước mưa, nước sông trong ao và mương vườn nhằm phục vụ sản xuất, UBND các xã thường xuyên kiểm tra độ mặn, đóng, mở các cống đảm bảo giữ nước ngọt và ngăn mặn,...

Đi cùng các giải pháp công trình phòng chống hạn, mặn dự báo tiếp tục diễn biến bất thường năm nay là hàng loạt giải pháp phi công trình, nhiều kiến nghị với tỉnh, trung ương để đầu tư, nâng cấp, trang bị giúp cho việc phòng chống hạn, mặn hiệu quả trong năm và sau đó, góp phần đảm bảo đời sống sản xuất, sinh hoạt cho bà con địa phương.

Trong hàng loạt biện pháp phi công trình đề ra để thích ứng hạn, mặn, có việc điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng lúa từ 3 vụ sang sản xuất 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu với diện tích 25.800ha (Đông Xuân: 13.400ha, Hè Thu: 12.400ha); vận động nhân dân các xã Trung Nghĩa, Trung Ngãi, Trung Thành, Quới An, Tân Quới Trung, Trung Thành Tây, thị trấn Vũng Liêm chuyển đổi sản xuất lúa 3 vụ sang 2 lúa- 1 màu... Một trong các giải pháp công trình nêu ở nội dung nước sạch, huyện kiến nghị tỉnh mở rộng đường ống nước chính cho xã Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Hiếu Thành, Trung Hiệp để đảm bảo nước sạch cho bà con mùa mặn vào; phối hợp ngành chức năng tỉnh xây dựng điểm tích trữ nước (1,5ha) nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch trong thời gian độ mặn trên 3‰.

Bài, ảnh: MINH THÁI