Tỏa sáng nét đẹp người lính giữa đời thường

Kỳ cuối: Những con đường cựu chiến binh tự quản

Cập nhật, 14:31, Thứ Năm, 08/12/2016 (GMT+7)

Đến huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) vào một ngày nắng đẹp để thăm tuyến đường cựu chiến binh (CCB) tự quản.

Dọc hai bên đường là cánh đồng lúa trĩu hạt đang rựng vàng đón nắng, phóng tầm nhìn xa là màu xanh ngát của rặng dừa xen lẫn những căn nhà tường khang trang dần mọc lên đã tạo nên bức tranh nông thôn tuyệt đẹp. Đó là nhờ công sức không nhỏ của những người lính Cụ Hồ, đã gương mẫu đi đầu trong phong trào hiến đất và giữ gìn, tu bổ con đường thêm đẹp.

Ông Nghĩa (trái) đã hiến 100m2 đất để xây đường giao thông nông thôn và cùng đồng đội đứng ra quản lý tuyến đường.
Ông Nghĩa (trái) đã hiến 100m2 đất để xây đường giao thông nông thôn và cùng đồng đội đứng ra quản lý tuyến đường.

Đường đẹp như tranh

Con đường đan rộng 3m, láng o và dài tít tắp đón chúng tôi. Chiếc cổng an ninh ấn tượng với tấm bảng lớn ghi dòng chữ: Tuyến đường Hội CCB xã Vĩnh Hựu tự quản về an toàn giao thông và môi trường xanh- sạch- đẹp. Đó là tuyến đường Hựu Phong II, dài nhất xã (2,5km) và quang quẻ, sạch sẽ băng qua cánh đồng lúa chín vàng ươm nối vào tận nhà dân.

Ông Trương Văn Phước- Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Hựu cho biết: Trước đây, các tuyến đường liên ấp, liên xóm chưa được thông thoáng, bị che khuất tầm nhìn, môi trường chưa đảm bảo, mốc lộ giới bị chiếm dụng, về đêm đi lại khó khăn do chưa có đèn thắp sáng và cổng rào an ninh trật tự...

Hội đã thống nhất chọn đường Ba Nò làm tuyến đường CCB tự quản và là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã. Cụ thể là: ra quân làm vệ sinh thông thoáng, vận động kéo đèn đường, xây cổng rào chống trộm và bảo quản tuyến đường.

Sau đó, Hội CCB xã đăng ký với Đảng ủy và Ban ATGT xã mô hình “Tuyến đường CCB tự quản về an toàn giao thông, môi trường- xanh- sạch- đẹp” đối với tuyến đường Hựu Phong I để làm điểm rút kinh nghiệm.

Đồng thời, phối hợp vận động hiến đất, góp công, góp của xây dựng tuyến đường. Chi hội CCB ấp Bình An cũng đã xây dựng bộ tiêu chí tuyến đường tự quản để mọi người cùng biết, giám sát và thực hiện.

Sau đó, Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo hội thực hiện tuyến đường Hựu Phong II. Nhờ đó, góp phần giữ vững trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức, trách nhiệm CCB và nhân dân trong việc thực hiện tiêu chí về an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Một góc tuyến đường CCB tự quản ở ấp An Bình.
Một góc tuyến đường CCB tự quản ở ấp An Bình.

Hiện, Hội CCB xã đang quản lý 3 tuyến đường với tổng chiều dài 6,4km. Hầu hết đều thông thoáng, vệ sinh, không xảy ra tai nạn giao thông, trách nhiệm tự quản của người dân được
nâng lên.

Ông Hoàng Ngọc Bao- Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Từ cuối năm 2014 tuyến đường CCB tự quản được phát động từ huyện đến cơ sở do Hội CCB triển khai, tổ chức và làm gương, đồng thời có kế hoạch thông qua Đảng ủy, UBND xã. Khi các tuyến đường được xây dựng hoàn thành thì do Hội CCB tỉnh và Ban An toàn giao thông cắm bảng tuyên truyền ở 2 đầu tuyến đường.

Sẵn sàng hiến đất, góp công

Khi các tuyến đường được đưa vào sử dụng đã đem đến niềm vui cho người dân xã nông thôn đầu nguồn ngọt hóa Gò Công. Nói như ông Nguyễn Tấn Nghĩa (ấp Bình An): “Khi hay tin Nhà nước làm đường, tui mừng lắm.

Do đoạn đường đi qua phần đất nhà chỉ gần 100m2, chứ nếu cần nhiều hơn nữa tui cũng hiến. Thời chiến, chúng tôi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình thì nay hiến vài trăm mét vuông đất là chuyện nên làm”.

Hỏi về con đường trước đây, ông Nghĩa tặc lưỡi: “Nó nhỏ xíu hà, bề ngang có 6 tấc thôi, mỗi khi mưa là sình lầy trơn trợt. Giờ thì con đường này không chỉ lớn, đẹp hơn mà buổi tối còn được thắp đèn sáng trưng không thua gì thành thị”.

Tuy đất đai là tài sản gắn liền như khúc ruột của người dân, nhưng “xây đường là để đầu tư nông thôn mình, mọi người ai cũng được đi đứng thoải mái, nhất là con cháu có điều kiện phát triển”- anh Nguyễn Văn Hưng cùng ngụ ấp Bình An nói.

Với những suy nghĩ thấu đáo đó, anh đã ký tên cái rột hiến 450m2 đất để làm đường và chủ động đốn bỏ 3 cây dừa cho huê lợi từ 1,5- 1,8 triệu đồng/năm để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công.

Anh Hưng kể, trước đây “khi tui cất nhà vận chuyển vật tư rất gian khổ vì toàn chuyên chở bằng xe 2 bánh, giờ thì đã có xe tải chạy bon bon chở tới nơi, thiệt sướng!” Giờ đây, mỗi khi thu hoạch dừa hoặc cho heo xuất chuồng là có xe tới tận nơi mua, không sợ bị mất giá.

Trước khi làm đường, heo thịt có giá 4 triệu đồng/tạ, thì lái chỉ mua 3,9 triệu đồng/tạ, còn dừa khô 50.000 đ/chục nhưng lái chỉ mua 45.000 đ/chục, giờ thì giá cả đều như nhau cả.

Ông Võ Thành Đông- Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bình An cho biết: Lúc làm đường, vận động người có công góp công, người có dừa góp dừa. Cứ 1- 2 tháng thì ra quân trồng trọt, khi thấy tuyến đường bị cây che khuất tầm nhìn thì chủ động phát quang. Có hộ rất tích cực nhưng cũng có người còn bê bối, quan trọng là biết cách vận động, uốn nắn anh em.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo quản và kêu gọi mọi người cùng bảo vệ con đường này. Chi hội có phân công cụ thể từng công việc như: tắt mở đèn, đóng cổng an ninh, cấp cứu tai nạn,... nếu người này bệnh thì người kia làm thay, chẳng có ai phiền hà gì”- ông Nguyễn Tấn Lễ nói.

Đầu các tuyến đường CCB tự quản được xây cổng an ninh gắn bảng tuyên truyền.
Đầu các tuyến đường CCB tự quản được xây cổng an ninh gắn bảng tuyên truyền.

Theo ông Trương Văn Phước, thời gian qua, Đảng ủy xã có phân công cho mỗi đoàn thể phụ trách quản lý một số tuyến đường.

Nhìn chung, các tuyến đường do CCB tự quản thường khang trang và đẹp hơn đó là nhờ các hội viên trưởng thành từ cái nôi quân đội, hầu hết đều có ý thức và trách nhiệm cao khi được phân công nhiệm vụ. Dự kiến cuối năm nay, xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của anh em CCB.

Ông Lê Dũng- Cụm Trưởng cụm thi đua số 11 Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tiền Giang cho biết: Thời gian qua, Hội CCB các tỉnh sông Tiền đã đi tham quan rút kinh nghiệm nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình “3 chi + 1” của Vĩnh Long, “mô hình 5+1” giúp nhau xóa nghèo của Bến Tre và tuyến đường CCB tự quản ở Tiền Giang...

Nhìn chung, mỗi đơn vị đều có những cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Gần đây, tại Vĩnh Long, cũng đã ra mắt tuyến đường hoa do CCB xã Thuận An (TX Bình Minh) đảm nhiệm chung sức xây dựng nông thôn sáng- xanh- sạch- đẹp, đây là cơ sở ban đầu để anh em tiếp tục rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

“Phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” đã được CCB các tỉnh sông Tiền phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong các phong trào.

Qua học hỏi từ tỉnh bạn, Vĩnh Long đã có cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm tạo sức sống cho mô hình, góp phần vào công cuộc đổi mới quê hương”- ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Long nhận định.

 

Tỉnh Tiền Giang có 143/173 xã- phường thực hiện 648 “tuyến đường CCB tự quản” dài 77km. Hội CCB các xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), Long Thuận (TX Gò Công), Ngũ Hiệp (Cai Lậy) là những đơn vị tiêu biểu trong xây dựng mô hình tổ cứu nạn, cứu thương, cấp cứu an toàn giao thông với nhiệm vụ: thông tin nhanh cho cơ quan chức năng khi xảy ra tai nạn giao thông, tổ chức cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản người bị nạn và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ...

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CAO HUYỀN