Câu chuyện cuối tuần

Thời cơ cho nông sản an toàn

Cập nhật, 07:00, Thứ Bảy, 10/12/2016 (GMT+7)

Buổi sáng ngày cuối tuần, Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ) Nguyễn Ngọc Nhân điện thoại cho nhà báo, thông báo đang đóng gói 700kg chôm chôm xuất sang Pháp.

Đây là đợt thứ 2 chôm chôm Bình Hòa Phước “đi Pháp” thông qua doanh nghiệp xuất khẩu (sau lần đầu tiên xuất 150kg thành công).

Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng là tín hiệu rất vui cho nhà vườn khi trái cây Vĩnh Long, ĐBSCL nói riêng, trái cây Việt Nam nói chung đã vượt qua rất nhiều rào cản kỹ thuật để đặt chân vào các nước nhập khẩu khó tính.

Hơn nữa, điều đó càng củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào trái cây Việt Nam, khi đã đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thì cũng chú ý sản xuất an toàn cho thị trường trong nước.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL không chỉ phát triển diện tích, sản lượng trái cây, mà đã đặc biệt quan tâm vấn đề sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, theo nhu cầu ngon và lành của thị trường. Việc nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối tìm đến với vùng trái cây ngon lành, khiến nông dân càng ý thức tuân thủ quy trình sản xuất an toàn vì mang lại hiệu quả cao.

Chẳng hạn, chỉ với việc bao trái xoài vừa tránh sâu bệnh vừa giúp trái xoài da đẹp mịn màng hơn, nông dân vùng xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) bán giá cao hơn 2.000 đ/kg (so với không bao trái). Ngoài “giá trị gia tăng” đó, sản phẩm còn giảm đáng kể chi phí phân thuốc, đồng nghĩa loại trừ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật- một tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi gắt gao.

Sản xuất an toàn, tăng giá trị hàng hóa đang tạo ra cơ hội tốt cho các vùng sản xuất nông sản. Đó cũng là giải pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường, mà còn để thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Một doanh nghiệp ngành sản xuất kinh doanh gạo cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, công ty đã liên kết nông dân xây dựng cánh đồng lớn từ 3 vụ chuyển sang sản xuất lúa 2 vụ/năm theo tiêu chuẩn an toàn.

Nhiều năm qua, công ty đã xây dựng một số vùng nguyên liệu trong tỉnh và ngoài tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… để khảo nghiệm những giống lúa mới, có khả năng chịu mặn tốt. “Cây lúa sinh trưởng trong môi trường này cho sản phẩm gạo nấu cơm rất ngon”- doanh nghiệp nhận xét.

Có thể nói, tư duy trong sản xuất kinh doanh nông sản cho thấy đã có sự chuyển biến lớn. Sản xuất đã chủ động theo nhu cầu thị trường, bằng cách thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Và một khi, điều kiện tự nhiên không còn quá nhiều ưu đãi, nhiều nông dân sẵn sàng tâm thế “sống chung với hạn, mặn”, như đã từng “sống chung với lũ” thành công.

TRẦN PHƯỚC