Ghi nhanh

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn nhiều vấn đề "nóng"

Cập nhật, 16:33, Thứ Sáu, 09/12/2016 (GMT+7)

Sáng 9/12, kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh (khóa IX) bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Hàng loạt vấn đề bức xúc đã được các đại biểu HĐND tỉnh thẳng thắn đặt ra như: làm thế nào ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; định hướng phát triển sản xuất và thích ứng biến đổi khí hậu; biện pháp quản lý và chấn chỉnh việc ca hát gây tiếng ồn và quá giờ quy định?....

 

Đại biểu chất vấn các sở, ngành
Đại biểu chất vấn các sở, ngành

* Giải pháp nào thích ứng biến đổi khí hậu?

Đại biểu Lê Phước Thiện (đơn vị huyện Vũng Liêm) đặt vấn đề với Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Minh Tho: “Tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người nông dân. Vậy, ngành có định hướng gì trong thời gian tới về phát triển sản xuất và thích ứng biến đổi khí hậu?”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết:  Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành sẽ tập trung nâng cao công tác dự báo, cảnh báo tình hình (đã trang bị các thiết bị đo độ mặn tại các vị trí xung yếu); phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng,  đặc biệt là đối với sản xuất, dân sinh.

Rà soát và hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý để thực hiện thâm canh các sản phẩm chủ lực có hiệu quả. Hiện ngành đã trình cấp thẩm quyền và đã được chấp thuận chủ trương tiến hành ra soát, điều chỉnh 4 quy hoạch của ngành gồm: quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch phát triển thủy sản, quy hoạch cấp nước sạch nông thôn và quy hoạch thủy lợi.

Các quy hoạch này đều hướng đến mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trên cơ sở quy hoạch này và định hướng tái cơ cấu, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực gồm 3 cây (lúa, khoai lang, cây có múi) và 3 con (heo, bò, cá).

Về sản xuất, vấn đề quan trọng hiện nay là thu hút doanh nghiệp và liên kết sản xuất với tiêu thụ. Ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan và địa phương thực hiện các hoạt động phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ; liên kết sản xuất theo chuỗi.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thủy lợi, đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường đầu tư và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu là vừa tưới, vừa tiêu, vừa ngăn mặn, vừa giữ ngọt”.

Đại biểu Nguyễn Thành Nghiệp (đơn vị huyện Bình Tân) cho rằng trước tình hình hạn mặn, ngành nông nghiệp chỉ chú trọng xứ lý sau khi xảy ra chứ chưa có sự chủ động thích ứng biến đổi khí hậu?"

Ông Nguyễn Minh Tho nói rõ: “Năm 2015, ngành đã xây dựng các kịch bản phòng chống xâm nhập mặn và đã triển khai thực hiện trong các tầng lớp nhân dân.

Khi mặn xảy ra, ngành cũng đã kịp thời cung cấp máy đo mặn cho địa phương kịp thời thông tin cho bà con; sử dụng hệ thống thông tin là nhắn tin qua điện thoại đối với chủ tịch xã và ban chỉ huy phòng chống thiên tai các huyện để thông báo hàng ngày cho bà con ở những điểm đo mặn;

đồng thời, khuyến  cáo các giải pháp về phi  công trình như: khuyến cáo, tập huấn hướng dẫn bà con xử lý đất những vùng nhiễm mặn; giới thiệu giống cây chịu mặn….”

Đại biểu Lê Tiến Nam (đơn vị huyện Vũng Liêm) đặt vấn đề: “Vì sao ngành nông nghiệp đề nghị trả lại ngân sách tỉnh 2,798 tỷ đồng đã bố trí cho triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.  

Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Ngày 28/6/2016, Bộ Tài chính có Công văn 8835 về một số giải pháp điều chỉnh thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương 6 tháng cuối năm 2016. Theo đó, văn bản này quy định :dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30/6/ 2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự án”.

Và tại thời điểm này, Sở Nông nghiệp- PTNT có 4 dự án. Khi nhận được công văn, sở đã cùng ngành chức năng đề xuất cho sở tiếp tục thực hiện 4 đề án này nhưng cơ quan có thẩm quyền không đồng ý và được Sở Tài chính thông báo là cắt vốn.

Ông khẳng định: Sở không chủ động đề nghị mà khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng “bản thân tôi cũng đứt từng đoạn ruột”, chứ không phải tự ý xin trả lại vốn”

* Xử lý ra sao với tình trạng  phân bón giả?

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Công thương- Phạm Tứ Phương chính là tình hình phân bón giả và việc xử lý của ngành như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiểu (đơn vị huyện Trà Ôn) đặt vấn đề: “Trên thị trường xuất hiện nhiều loại phân kém chất lượng, hàm lượng không đảm bảo như ghi trên bao bì như đăng ký. Một số cơ sở thì không được cấp phép sản xuất. Việc xử lý và phòng ngừa vấn đề này trong thời gian tới ra sao?”.

Đại biểu Lê Ngọc Thúy (đơn vị huyện Tam Bình) chất vấn: “Hiện nay phân bón, thuốc trừ  sâu kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả trên thị trường có rất nhiều khiến nông dân mua nhầm mà không biết, làm ảnh hưởng đến công sức, vốn đầu tư để mua phân, thuốc, ngoài ra lại khiến năng suất cây trồng bị thất thu, thậm chí làm ảnh hưởng đến những vụ sau, gây thiệt hại lâu dài.

Ngành chức năng cho biết công tác quản lý nhà nước có giải pháp gì để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho nông dân?”

Trả lời 2 đại biểu, Giám đốc Phạm Tứ Phương thông tin cụ thể đến đại biểu những con số cụ thể về số lượng cơ sở phân bón, công tác thanh- kiểm tra, xử lý thời gian tới.

Trong đó, ông cũng khẳng định: 2 ngành nông nghiệp và công thương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra. Năm 2017 này, ngoài tuyên truyền, giải pháp quan trọng là ngành sẽ phối hợp với hội nông dân và địa phương sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Bá Tòng (đơn vị huyện Tam Bình) tiếp tục chất vấn: “Vấn đề phân bón giả, kém chất lượng là vấn nạn nhiều năm nay chưa khắc phục được và năm sau còn cao hơn năm trước.

Nhưng ngành chưa nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp mà ngược lại còn thấy tự hào cho rằng qua kết quả kiểm tra đã góp phần kiểm soát và đánh giá được tình hình quản lý chất lượng phân bón trên thị trường.

Vậy giám đốc cho biết cơ sở nào để đánh giá và thời gian tới tình trạng phân bón giả có chấm dứt được không hay có thể giảm thiểu ở mức độ cụ thể như thế nào?”

Ông Phạm Tứ Phương thừa nhận tình trạng phân bón giả, kém chất lượng năm sau cao hơn năm trước là đúng (năm 2015: khoảng 23%, năm 2016: mỗi tháng 30%) nhưng ngành đã có sự quyết liệt.

Qua đánh giá và ký cam kết của 532 hộ cộng với công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là việc xây dựng mạng lưới của chính người kinh doanh  phân bón (kể cả nhà cung cấp) để làm sao cung cấp thông tin kịp thời, chính xác nhất đối với vấn đề phân bón xâm nhập vào thị trường không đảm bảo chất lượng.

Ông khẳng định “đại biểu yên tâm, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2017, nạn phân bón giả kém chất lượng sẽ hạn chế”.

*Làm sao ngăn chặn việc ca hát gây tiếng ồn, quá giờ quy định”

Đại biểu Trần Văn Ý (đơn vị huyện Trà Ôn) chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thanh Tuấn: “Hiện nay, nhiều nơi tổ chức tiệc, liên hoan, tụ điểm cà phê hát với nhau… tổ chức ca hát gây tiếng ồn lớn cả khu vực và quá giờ quy định, ảnh hưởng rất lớn đối các hộ gia đình xung quanh. Cử tri nhiều địa phương rất bức xúc. Ngành có biện pháp gì để quản lý và chấn chỉnh việc này?”

Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời: Đối với các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như nhà hàng, karaoke, vũ trường,… thanh tra chuyên ngành văn hóa chỉ kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với việc phổ biến các bài hát không có trong danh mục được phép lưu hành, hoạt động quá giờ quy định, diện tích phòng không đảm bảo…

Còn về độ ồn thì không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành văn hóa mà thuộc ngành tài nguyên- môi trường, công an và chính quyền các cấp.

Đối với các tiệc mừng, đám tang, liên hoan, tụ điểm quán cà phê hát với nhau … tổ chức ca hát gây tiếng ồn lớn cả khu vực và quá giờ quy định, căn cứ Nghị định 155 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/2/2017) quy định xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn vượt chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn sẽ bị xử phạt từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng và thẩm quyền xử phạt thuộc về chủ tịch UBND các cấp, công an, thanh tra chuyên ngành tài nguyên- môi trường và các lực lượng khác…

Thời gian tới, sở sẽ tăng cường phối hợp với ngành tài nguyên- môi trường, công an và chính quyền các cấp trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ở các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và nơi tổ chức tiệc mừng, liên hoan, tụ điểm quán cà phê hát với nhau.

Trong đó,  trước mắt, sở đề nghị phòng văn hóa các huyện- thị- thành phố đưa các nội dung về quản lý tiếng ồn vào các quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở khu dân cư để vận động nhân dân thực hiện, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Song song đó, sở cũng kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản quy định cụ thể việc quản lý và xử phạt đối với các cá nhân và cơ sở kinh doanh hệ thống âm thanh.

Chủ tọa kỳ họp Trương Văn Sáu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường- Roàn Ngọc Chiến cho ý kiến về nội dung liên quan.

Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho rằng “ngành tài nguyên- môi trường và văn hóa chưa gặp nhau nhưng… mạnh hơn một chút là cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nếu vi phạm là phạt ngay.

Còn đối với dân, ông cũng đề nghị “đây là hành vi văn hóa cộng đồng nên tuyên truyền giáo dục trước, tạo thói quen, nề nếp trước khi xử phạt và chính quyền cơ sở là quan trọng nhất”.

Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cũng đồng tình với đề xuất của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước mắt là phối hợp các ngành, cùng bàn giải pháp quản lý hiệu quả trình UBND tỉnh.

Bài, ảnh: TÂN PHONG