Xóm nhà lầu trên "Cánh đồng chó ngáp"

Cập nhật, 05:37, Chủ Nhật, 25/02/2024 (GMT+7)

 

Mô hình con tôm ôm gốc lúa đã giúp nông dân nơi đây thành tỷ phú.
Mô hình con tôm ôm gốc lúa đã giúp nông dân nơi đây thành tỷ phú.
Nhắc đến “Cánh đồng chó ngáp”, nhiều người sẽ mường tượng đến một vùng đất xa xôi, hẻo lánh và ở đó chỉ có đồng trống hoang vu, mùa mưa cỏ dại mọc lút đầu người; tháng nắng đồng khô, cỏ cháy, đất đai nứt nẻ...
 
Nhưng đó là những năm tháng đã xa, khi người nông dân còn trong cảnh “một cổ hai tròng”, đất nước trong khói lửa chiến tranh. Còn bây giờ, vùng đất này đã trở nên trù phú, những tỷ phú nông dân thi nhau xây nhà lầu “khít rịt” cho thỏa mong ước khi còn gian khó.
 
Thuở gian khó
 
Nói về địa danh “Cánh đồng chó ngáp” người dân ở đây hay truyền tai nhau rằng: “Đây là vùng đất rộng lớn đến độ không người nào có thể đi một lần mà qua được. Chó là loài vật rất giỏi chạy, nhưng cũng không thể băng qua cánh đồng. Con chó nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải lè lưỡi thở dốc, mệt mỏi ngáp ngắn, ngáp dài”. Tên gọi “Cánh đồng chó ngáp” cũng từ đó mà thành.
 
Còn theo những lão nông cố cựu, thì cánh đồng chó ngáp ngày trước ở vị trí giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Phần lớn cánh đồng ngày ấy giờ thuộc 2 huyện Phước Long và Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu. Vốn là vùng đất hoang có diện tích rất lớn, nước nhiễm phèn, mặn nên chỉ có dừa nước, cỏ, năng, lau, sậy… là sống được.
 
Nhưng đó là những năm tháng đã xa, khi người nông dân còn trong cảnh “một cổ hai tròng”, đất nước trong khói lửa chiến tranh. Còn bây giờ, vùng đất này đã trở nên trù phú, những tỷ phú nông dân thi nhau “xây nhà lầu khít rịt” cho thỏa mong ước khi còn gian khó.
 
Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, men theo con đường đan cặp kênh Cạnh Đền- Phó Sinh chúng tôi đã đến được xóm nhà lầu thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân. Địa phương có diện tích gần 7.000ha, với hơn 7.000 hộ dân, có 5 ấp gồm: Thống Nhất, Chòm Cao, Chủ Chọt, Nhà Lầu I và Nhà Lầu II. 
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống những năm 2000. Câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” với vài người hàng xóm, ông Nguyễn Trung Hiếu (ấp Nhà Lầu I, xã Ninh Thạnh Lợi A) nhấp ngụm trà đưa mắt nhìn xa xăm nhớ về một thời gian khó, nói: “Ngày trước người dân ở đây nghèo lắm, phải nói rất nghèo. Đất đai là cánh đồng phèn nặng”.
 
Như khơi đúng mạch, ông Lê Văn Thể (ngụ cùng ấp) tiếp lời: “Từ xa xưa ông bà nói là cánh đồng chó ngáp, từ Phó Sinh tới kinh Dân Quân không trồng được cây gì hết, chỉ có mùa nước người ta tới để cầm trâu thôi”.
 
Và để có “xóm nhà lầu” như hiện nay, nhiều người vẫn hay nhắc về ông Hai Chu. Khi ấy, một số người có kinh tế khá ở nơi khác đến đây khai hoang đất đai rồi cho người dân thuê lại, gọi là địa chủ.
Kênh Cạnh Đền- Phó Sinh chạy dọc ấp Nhà Lầu.
Kênh Cạnh Đền- Phó Sinh chạy dọc ấp Nhà Lầu.
 
Có ông địa chủ tên Tô Chu (bà con gọi là ông Hai Chu), tính tình hiền lành, cho người dân thuê đất giá rẻ, lại thường giúp đỡ người lưu tán nên ai cũng thương. Ông dựng cơ ngơi là ngôi nhà bằng gỗ có gác lửng, lớn nhất trong xóm.
 
Tá điền qua lại trầm trồ, mơ ước sau này mình cũng có ngôi nhà lầu như vậy. Ngày qua ngày, người dân truyền tai nhau và cố gắng làm ăn. Ngôi nhà gỗ của ông địa chủ nay không còn, nhưng bể chứa nước được xây dựng trong ngôi nhà gỗ ngày xưa vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
 
Theo ông Phan Hoàng Thúc (ngụ cùng ấp): “Tui nghe ông bà kể lại, ngày xưa ông Hai Chu cất nhà gỗ trên bể nước. Nhà ngày xưa như vậy gọi là nhà lầu, nên sau đó người ta gọi là ấp Nhà Lầu luôn, là vậy!”
 
“Cánh đồng chó ngáp” thành “xóm nhà lầu”
 
Vùng đất được gọi với những cái tên lạ là Cạnh Đền, “Cánh đồng chó ngáp” ngày trước, qua thời gian cùng với ý chí của bao lớp người đã trở thành “bờ xôi ruộng mật”.
 
Dấu mốc quan trọng của sự chuyển mình ngoạn mục ấy bắt nguồn từ chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện.
 
Tuyến kênh kết hợp với giao thông đường bộ Quản lộ Phụng Hiệp được đào mới, mở rộng, dẫn nước ngọt từ dòng sông Hậu đổ về các kênh nhỏ như: Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn, giúp tháo chua, rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất này. Nhờ đó, bà con chí thú làm ăn, tìm kiếm mô hình kinh tế hay về áp dụng thành công.
 
Đầu tiên là mô hình trồng khóm, rồi sau đó đến mô hình nuôi tôm, và mô hình lúa tôm kết hợp. Một năm Ninh Thạnh Lợi A thực hiện 1 vụ lúa 2 vụ tôm chính, kết hợp nuôi tôm càng.
 
Nếu như trước đây, lúa chỉ vài giạ mỗi công thì hiện tại, lúa ở Ninh Thạnh Lợi A đạt năng suất 30, 40 giạ mỗi công. Mô hình “con tôm ôm gốc lúa” đã khẳng định là mô hình bền vững, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa hạn chế việc sử dụng các loại thuốc hóa học trên đồng ruộng.
 
Theo ông Lê Văn Thể: “Đến 1995, Nhà nước cho đào kênh, thì lúc đó người dân mới lên liếp trồng trúc, trồng khóm. Tới năm 2000 mới nuôi tôm, nhờ nuôi tôm trúng dân mới phát triển được. Nhờ con tôm, rồi vụ lúa vụ tôm thì dân ở đây phát triển hơn nơi khác. Có tôm, có lúa, rồi tôm càng nữa. Tôi đi cũng nhiều nơi, tôi thấy chỗ này nổi hơn nhiều nơi khác”.
 
Ông Phan Thanh Sung- Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A chia sẻ, đời sống người dân Ninh Thạnh Lợi A phát triển từ mô hình nuôi tôm, sau đó là trồng lúa và nuôi tôm. Đây là mô hình rất thuận lợi và bền vững góp phần giúp đời sống người dân phát triển.
 
Có điều đặc biệt là vùng đất Ninh Thạnh Lợi A sản xuất 2 tôm 1 lúa. Lúc nuôi tôm thì nó tạo ra độ màu mỡ và do đó, khi trồng lúa người dân không cần dùng phân thuốc nên lúa rất ngon.
 
Đây cũng là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, nên người dân mạnh dạng áp dụng. Mô hình được các nhà chuyên môn đánh giá rất ổn định, nên người dân cũng mở rộng, góp phần giúp bà con tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
 
Những mẫu nhà lầu xây dựng giai đoạn những năm 2000-2001.
Những mẫu nhà lầu xây dựng giai đoạn những năm 2000-2001.
“Thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện Hồng Dân thì địa danh Nhà Lầu, Chủ Chọt cũng sẽ được triển khai để nằm trong tua tuyến phát triển du lịch. Đây cũng là cách góp phần phát huy giá trị của những di tích, của địa danh này”- ông Phan Thanh Sung vui vẻ cho biết thêm.
 
Có thu nhập cao, ngoài tái đầu tư cho sản xuất, dành dụm để xây dựng nhà cửa, bà con chú tâm lo cho con cái ăn học. Ngôi trường mang tên “Nhà Lầu” tại địa phương có lẽ cũng là thông điệp ý nghĩa để những đứa trẻ bước ra từ ngôi trường này hãnh diện về quê hương của mình và là kỷ niệm đẹp mang theo trong hành trình tiếp bước xây dựng quê hương.
Bài, ảnh: TRẦN NGỌC