"Nặng nợ" với gốm đỏ Vĩnh Long

Cập nhật, 22:05, Thứ Tư, 14/02/2024 (GMT+7)
Căn nhà gốm ở Phường 5, TP Vĩnh Long được xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2023.
Căn nhà gốm ở Phường 5, TP Vĩnh Long được xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2023.
Căn nhà gốm đỏ Tư Buôi vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam. Và đó là một trong cơ sở quan trọng để ông xây dựng cho mình những kế hoạch dài hơi trong hành trình khôi phục gốm đỏ Vĩnh Long; nhắc nhở một thời làng gốm “ăn nên làm ra”, mà ông tự nhận mình “vẫn còn nặng nợ”…
 
Làng gốm một thời “ngày đêm nhả khói”
 
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà “làm bằng toàn gốm đỏ” ông Tư Buôi (Nguyễn Văn Buôi), ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít đang ấp ủ với nhiều dự tính để xây dựng chuỗi các điểm đến du lịch hứa hẹn hấp dẫn, với điểm nhấn từ gốm đỏ Vĩnh Long.
 
Là chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói mang tên Tân Hiệp Phát II, nhưng mỗi khi nhắc đến gốm ông Tư Buôi cảm thấy bùi ngùi, nhắc nhớ cái nghề mà hình thành cách đây hàng thế kỷ, và những nghệ nhân làm gạch đầu tiên ở Vĩnh Long như ông Ba Nghĩa, Ba Khiêm, Sáu Lộc đã cất công đến Bình Dương, Sài Gòn,… để học hỏi thêm nghề.
 
Chẳng mấy chốc, họ đã thành công. “Với vốn liếng tích lũy được, các chú đã rất thành công khi tận dụng các lò nung tròn truyền thống sẵn có để làm gốm. Nghề dạy nghề, làng nghề gạch, gốm đỏ nức tiếng trên đất Vĩnh Long cũng từ đó mà hình thành.”- chú Tư Buôi nhớ lại.
“Làng gốm Tư Buôi” đang trong quá trình hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy thú vị với du khách trong tương lai.
“Làng gốm Tư Buôi” đang trong quá trình hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là điểm đến đầy thú vị với du khách trong tương lai.
 
Cái riêng độc nhất ở sản phẩm gốm đỏ ở đây, mà theo chú Tư Buôi là “đất sét ở Vĩnh Long khi nung chín ở nhiệt độ 900OC, sản phẩm ra lò sẽ có màu hồng phủ một lớp phấn trắng rất giống với gốm Italia”.
 
Từ điều này nên được khách hàng ngoại quốc yêu thích. Những năm từ khoảng 1992-2008 xem là giai đoạn hưng thịnh làng nghề với khoảng 3.000 miệng lò san sát ngày đêm nhả khói, trên bến ghe tàu tấp nập lấy hàng. Nhiều doanh nghiệp thành lập, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tự nghiên cứu cải thiện quy trình, đa dạng chủng loại sản phẩm để xuất khẩu. 
 
“Gia đình tôi đã có 3 đời làm nghề gạch, gốm. Chứng kiến làng nghề dần mai một, tôi thật sự xót xa. Tôi nghĩ mình cần có sự thay đổi để thích ứng và gìn giữ nghề”- ông Tư Buôi tâm huyết nói.
 
Quyết tâm khôi phục làng nghề
 
Chứng kiến những thăng trầm, chú Tư Buôi cho rằng, “mình rất nặng nợ với đất sét Vĩnh Long, nên cần có sự thay đổi để thích ứng và gìn giữ nghề”. Căn nhà làm hoàn toàn bằng gốm đỏ được thực hiện từ năm 2005 là minh chứng và cụ thể nhất để ông hiện thực hóa ước mơ phục dựng lại làng gốm đỏ Vĩnh Long bên dòng Cổ Chiên một thời.
 
Sau 13 năm chuẩn bị kỹ lưỡng, ông bắt tay xây dựng căn nhà gốm đỏ có kết cấu 3 gian, 2 chái tại Phường 5, TP Vĩnh Long, với diện tích gian chính khoảng 200m2, khu nhà sau 100m2 được ốp hoàn toàn bằng gốm đỏ.
Việc xây dựng các điểm đến bằng gốm đỏ không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi về gốm đỏ Vĩnh Long với du khách gần xa mà còn mang thông điệp về một loại vật liệu xây dựng mới, gần gũi, góp phần bảo vệ môi trường.
Việc xây dựng các điểm đến bằng gốm đỏ không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi về gốm đỏ Vĩnh Long với du khách gần xa mà còn mang thông điệp về một loại vật liệu xây dựng mới, gần gũi, góp phần bảo vệ môi trường.
 
Cột, kèo trong gian nhà đều được khắc họa tiết trống đồng Đông Sơn hay phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Những đầu giáo dùng để nối kèo với cột cũng được thiết kế bằng các con vật gần gũi trong cuộc sống hàng ngày như: tôm, cua, gà, cá, khỉ.... Tất cả đều là tâm huyết và sự kỳ công của người nghệ nhân nhằm muốn “thổi hồn” và tìm hướng mới cho cái nghề ông cha để lại.
 
Bên trong nhà trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm như ấm chén, bàn ghế, giường tủ, đồng thau, máy hát đĩa than… tạo sự giàu có, bề thế của những gia đình xưa.
 
Cùng với nhà cổ, tại cơ sở sản xuất gạch, ngói ở ấp Cái Kè, xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, ông Tư Buôi cũng đang cho xây dựng khu vực trưng bày các sản phẩm, công cụ, phương tiện sản xuất gạch, gốm… để du khách đến đây có thể trải nghiệm làm gốm thời xưa. 

 

Để phục vụ nhu cầu quà tặng của khách, ông cũng làm các sản phẩm “gốm rót” với kích thước nhỏ, mỏng, nhẹ, hình dáng đa dạng.
Để phục vụ nhu cầu quà tặng của khách, ông cũng làm các sản phẩm “gốm rót” với kích thước nhỏ, mỏng, nhẹ, hình dáng đa dạng.
Với việc xây dựng chuỗi du lịch “Làng gốm Tư Buôi” liên hoàn với “đặc sản” từ gốm đỏ dự kiến sẽ khai trương từ 2025, cho thấy tình yêu của ông với gốm đỏ.
 
Đó cũng là cách ông nhắc nhớ thế hệ sau mãi nhớ về tiền nhân, những người đã có công xây dựng và phát triển làng gốm đỏ Vĩnh Long; đồng thời cũng là động lực để ông tiếp tục thực hiện “giấc mơ vực dậy làng gốm” với hướng tiếp cận mới, thích nghi và rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long: “Chú Tư Buôi thật sự rất tâm huyết với nghề. Điều đó được khẳng định qua việc, thay vì sản xuất gốm thương mại, chú đã rẽ hướng làm gốm dân dụng để nhằm thực hiện ước mơ về một chuỗi các điểm đến được làm bằng gốm đỏ của hiện tại. Đây là một sự đầu tư hết sức lâu dài mà không phải ai cũng làm được. Tôi tin rằng khi đưa vào khai thác, các điểm đến của chú Tư Buôi sẽ là một kênh quảng bá hữu hiệu cho gạch, gốm Vĩnh Long”. 
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU