Những cung đường di sản Vĩnh Long

Cập nhật, 05:59, Thứ Sáu, 09/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Nếu nhìn lên bản đồ tỉnh Vĩnh Long, chấm 3 điểm tọa độ: TP Vĩnh Long và Long Hồ- Vũng Liêm- TX Bình Minh, kết nối lại ta có một “Tam giác di sản” có chiều kích không gian văn hóa- lịch sử hàng ngàn năm và những miền văn minh sông nước hợp lưu giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu.

Từ Long Hồ dinh các bậc tiền nhân tiếp tục mở cõi về phương Nam, tiếp tục những thế hệ nông dân khai phá miệt Hậu Giang, để chúng ta có đồng bằng trù mật ngày nay. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Từ Long Hồ dinh các bậc tiền nhân tiếp tục mở cõi về phương Nam, tiếp tục những thế hệ nông dân khai phá miệt Hậu Giang, để chúng ta có đồng bằng trù mật ngày nay. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Trên cung đường di sản đó, người Vĩnh Long có thể tự hào “khoe” với bạn bè, du khách phương xa những câu chuyện từ thời cổ đại Óc Eo vài ngàn năm trước, cho đến giai đoạn khai khẩn gần 300 năm của cư dân Việt và những danh nhân lịch sử cận, hiện đại gần đây.

Trên hành trình lịch sử đó, đã dần hình thành vùng đất cộng cư mà làm thành quê hương gắn bó máu thịt của “3 người anh em”: Kinh- Hoa- Khmer.

Hiểu một cách sâu sắc những giá trị di sản văn hóa, lịch sử quê hương, cũng là cách để mỗi người dân chúng ta góp sức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh, ca ngợi vùng đất, con người Vĩnh Long.

Đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy đã đề ra về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới: “Khơi dậy lòng tự hào về vùng đất “địa linh nhân kiệt” với những chiến thắng hào hùng, vẻ vang, là nơi hội tụ nhiều nhân tài, những người con ưu tú của đất nước, các bậc danh nhân kiệt xuất, bậc tiền nhân mở cõi; về truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và nét đặc trưng con người Vĩnh Long “Yêu nước, Nhân ái, Nghĩa tình, Đoàn kết, Cần cù, Hiếu học”; phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà tỉnh đang sở hữu để phát triển bền vững”.

Với tâm tình đó, tâm thế đó chúng ta cùng lang thang về miền di sản trải dọc theo những triền sông, mà bắt đầu là cù lao Dài nổi lên lừng lững như con rồng khổng lồ trườn mình từ biển vào làm cho dòng Cổ Chiên chia thành 2 nhánh miên man sông nước.

Đây cũng chính là con đường dẫn lối những chiếc thuyền buồm, ghe bầu đầu tiên của cư dân Việt dong buồm từ xứ ngũ Quảng vào đây mở đầu công cuộc khai khẩn phương Nam kỳ vĩ của tiền nhân.

Nếu như Long Hồ dinh chính thức được thành lập từ năm 1732, thì từ trước đó rất lâu theo GS. Nguyễn Đình Đầu quá trình khai phá và mở mang vùng đất Nam Bộ ngày nay của cư dân Việt diễn ra từ rất sớm, ngay từ những năm 1618-1620.

Làng gạch gốm Vĩnh Long. Ảnh: Trần Nhành
Làng gạch gốm Vĩnh Long. Ảnh: Trần Nhành

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép, miền đất hoang địa gần như vô chủ ấy chỉ thực sự được đánh thức khi lớp cư dân Việt đầu tiên đặt chân đến, khoảng đầu nửa thế kỷ XVII.

Cù lao Dài chính là một trong những điểm đầu tiên cư dân Việt từ xứ ngũ Quảng đặt chân đến đây và đã tạo nên một cuộc “giao thoa lịch sử, văn hóa” đặc biệt nhất của vùng đất Nam Bộ.

Đó là tầng văn minh lúa nước do chính cư dân Việt tạo nên, được hình thành trên nền văn hóa đã chìm khuất sâu hơn hàng ngàn năm đó là những di tích Thành Mới đánh dấu “mớn nước mặn- ngọt” trong những đợt biển tiến, biển lùi diễn ra nhiều lần ở ĐBSCL.

Cùng với khai khẩn cải tạo đất gieo trồng cây lúa nước, người Việt đã mang đến cù lao Dài một nghề truyền thống từ miền Trung đó là nghề trồng lác và dệt chiếu.

Đây là vấn đề mà Vĩnh Long cần phải quan tâm, nghiên cứu về nghề trồng lác, dệt chiếu vẫn đang tồn tại, phát triển cho đến thời hiện đại; hành trình lịch sử của làng nghề truyền thống này xứng đáng và cần được tôn vinh là di sản văn hóa lịch sử mang tầm vóc quốc gia.

Mai này Vĩnh Long sẽ có thêm một Di sản đương đại gạch gốm Mang Thít. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Mai này Vĩnh Long sẽ có thêm một Di sản đương đại gạch gốm Mang Thít. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Cù lao Dài- Vũng Liêm là miền đất thiêng đã dưỡng nuôi và sản sinh ra những hiền tài, những con người kiệt xuất, cống hiến mang tính cột mốc của lịch sử Nam Bộ, lịch sử Việt Nam.

Ngay từ buổi đầu khai khẩn là hai gia tộc Nguyễn- Châu, mà đại diện là danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng vợ là bà Châu Thị Tiếp, đôi vợ chồng duy nhất trong lịch sử Việt Nam đã được khắc thành tên núi, tên sông và được lưu truyền mãi ngàn đời sau trên cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.

Lịch sử tiếp nối dòng chảy hơn 200 năm, tiếp nối dòng chảy của hai con kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế, là dòng kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) khởi nguồn từ trung tâm xã Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang) thao thiết mở đường ra biển cả để lần thứ hai trong lịch sử vùng đất Tứ giác Long Xuyên được đánh thức góp thêm vào cho đất nước hàng triệu tấn lương thực mỗi năm.

Lồng lồng, miên man hình sông, dáng núi giữa điệp trùng dãy Thất Sơn mầu nhiệm, bia đá tạc dáng người và những dòng cảm xúc tri ân của hậu thế: “Người nhờ đất để sống.

Đất nhờ người có tên (…) Kênh Võ Văn Kiệt nối tiếp kênh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam”.

Vũng Liêm lại đóng góp thêm một người con kiệt xuất của quê hương, một hiền tài của đất nước, “Võ Văn Kiệt”- tên người sống mãi cùng núi, cùng sông và sống mãi trong lòng người được tôn vinh là “Ông Thủ tướng của Nhân dân”.

Còn ở tại quê nhà, đã hình thành một không gian văn hóa lịch sử vừa thật trang nghiêm, vừa thật gần gũi, ấm áp với mọi người, với du khách gần xa.

Sừng sững tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao bên cạnh công viên Tượng đài Nam Kỳ khởi nghĩa, hợp cùng hồ Vũng Linh ghi dấu lịch sử hào hùng, án ngữ phía trước Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tạo thành vệt văn hóa độc đáo của vùng đất thiêng, tiếp tục kể cho những thế hệ mai sau những câu chuyện đầy niềm tự hào của các bậc tiền nhân.

Từ quê hương Vũng Liêm kết nối với TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ, là một cạnh của “Tam giác di sản” chính là dòng sông Cổ Chiên ôm trọn những bãi bờ, những cù lao giữa mênh mông sông nước.

Con đường gốm đỏ tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023). Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Con đường gốm đỏ tại lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh GS.VS Trần Đại Nghĩa (9/2023). Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Trên con đường ngược dòng Cổ Chiên để đến với không gian lịch sử Long Hồ dinh, người Vĩnh Long thêm tự hào khi một ngày không xa, chúng ta sẽ có thêm một di sản đương đại từ làng nghề gạch gốm bên kinh Thầy Cai (Mang Thít).

Một dòng sông chứa đựng đầy ắp những câu chuyện văn hóa xưa và nay, trải dọc theo chiều dài lịch sử 300 năm.

Thời gian đó đủ để ông bà ta tạo nên một gia tài đồ sộ sau khi vượt sông Tiền, đã “mở mặt” về một vùng đất rộng lớn bao la tiếp tục công cuộc khai phá miệt Hậu Giang tạo thành dải đất đồng bằng trù phú, hoàn thành sứ mệnh lịch sử là “vẽ” nên trọn vẹn dáng hình chữ S của đất nước Việt Nam ngày nay.

Nếu ở Vũng Liêm cư dân Việt đầu tiên “chạm mặt” với nền văn hóa cổ Óc Eo và những di tích chùa chiền của Phật giáo Nam tông, tạo nên đời sống cộng cư Việt Khmer; thì “cạnh tam giác” TP Vĩnh Long- TX Bình Minh dọc theo trục QL1A, sẽ thấy nổi rõ nét sự giao thoa văn hóa Kinh- Hoa.

Di sản làng nghề tàu hủ ky Bình Minh. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Di sản làng nghề tàu hủ ky Bình Minh. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Cuộc hội ngộ lịch sử này đã để lại cho chúng ta một di sản làng nghề tàu hủ ky cũng tròm trèm trên dưới 100 năm.

Làng nghề nằm bên vàm Tắc Từ Tải, đón nước sông Hậu thao thiết đổ về từ thượng nguồn, nếu người Hoa đã tạo nên di sản tàu hủ ky, thì những nông dân cần cù sáng tạo người Kinh cũng góp vào “cù lao” này những miền đặc sản cây trái đáng tự hào.

Trên cung đường của “Tam giác di sản” Vĩnh Long, chúng ta không thể nào quên được “vùng lõi” Tam Bình đã đóng góp cho đất nước một người con ưu tú, một nhà khoa học xuất sắc GS.VS. Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, mà Vĩnh Long vừa trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, cùng với trước đó năm 2022, chúng ta cũng đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đó chỉ là những “nét vẽ” rất khái lược tựa như “bức tranh ký họa” về cung đường “Tam giác di sản” của một vùng đất vốn đầy ắp những di tích văn hóa lịch sử Vĩnh Long quê hương ta.

Thế hệ hôm nay và cả mai sau, đã may mắn thừa hưởng cái gia tài vô giá của các bậc tiền nhân gầy dựng nên bằng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cả máu xương, trí tuệ, sự cần cù, thông minh, sáng tạo trong chiến đấu bảo vệ và lao động xây dựng đất nước.

Càng phải biết quý yêu, trân trọng, cùng với niềm tự hào là những tự vấn bản thân: Mình đã đóng góp gì vào gia tài này để ngày một giàu có hơn, tươi đẹp hơn trên những chặng đường tương lai phía trước? 

NGỌC TRẢNG