Trường Sa rất xanh

Cập nhật, 06:47, Chủ Nhật, 11/02/2024 (GMT+7)

(VLO) Tôi đã có “một hải trình như mơ” ra với Trường Sa- huyện đảo tiền tiêu, vùng đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Cuộc sống nơi đảo xa còn nhiều gian lao nhưng rất đáng trân trọng và tự hào. Trân quý từng cây bàng vuông, phong ba, bão táp… hiên ngang trước sóng gió; còn có dừa, chuối, vườn rau xanh… mang hình bóng quê nhà cắm rễ sâu nơi trùng khơi.

Đảo Trường Sa- hòn ngọc xanh giữa trùng khơi Biển Đông.
Đảo Trường Sa- hòn ngọc xanh giữa trùng khơi Biển Đông.

Từ cây bàng vuông, phong ba, bão táp…

Quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam Biển Đông, cách Vũng Tàu khoảng 340 hải lý và cách Cam Ranh khoảng 250 hải lý. Quần đảo Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa: huyện đảo Trường Sa.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bách- Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân: “Quần đảo Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng, là hương hỏa tổ tiên ông cha ta từ hàng trăm năm nay để lại.

Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.

Cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa “phủ xanh” trên đảo Song Tử Tây.
Cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa “phủ xanh” trên đảo Song Tử Tây.

Nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân, những người con ưu tú của Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh để giành và giữ lấy chủ quyền từng tấc đảo, sải biển Trường Sa”.

Những cây dừa mới “từ đất liền gửi ra” được chăm chút, che chắn thật cẩn thận.
Những cây dừa mới “từ đất liền gửi ra” được chăm chút, che chắn thật cẩn thận.

Trên hải trình vượt sóng vượt gió, từ xa, thị trấn đảo Trường Sa như một viên ngọc xanh lấp lánh giữa trùng khơi làm chúng tôi nao nức. Ngày nay, các công trình hạ tầng trên đảo được xây dựng khang trang, đẹp đẽ rợp bóng cây xanh.

 

Hoa và trái bàng vuông.
Hoa và trái bàng vuông.

Nước ngọt, điện năng lượng sạch đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đón chào chúng tôi là những cái bắt tay thật chặt của quân dân trên đảo, cùng tiếng đồng dao rộn ràng của các em nhỏ: “Nu na nu nống… Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt”.

Dẫn chúng tôi đi quanh đảo thị trấn, ông Trần Văn Hoàng- Phó Chủ tịch UBND và ông Phạm Hoàng Dũng- Bí thư Chi đoàn TT Trường Sa, đích thân giới thiệu tên từng loại cây “cùng quân dân bám đất giữ đảo” như cây bàng vuông, phong ba, bão táp… đều là biểu tượng cho sự kiên cường, hiên ngang trước phong ba bão táp.

“Trong đó, đặc biệt là cây bàng trái vuông được xem như biểu tượng về sức sống mãnh liệt nơi biển đảo của Tổ quốc.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng cây bàng vuông vẫn vươn mình tươi tốt, đứng hiên ngang như người chiến sĩ hải quân ngày đêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo”- ông Hoàng nói chắc nịch.

Vườn ươm cây giống ở thị trấn đảo Trường Sa.
Vườn ươm cây giống ở thị trấn đảo Trường Sa.

Với ý nghĩa biểu tượng như thế, nên việc trồng cây xanh ở huyện đảo Trường Sa luôn được tiếp nối. “Ở huyện đảo Trường Sa, mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều chủ động trồng, nhân giống từ một đến hai cây xanh để tặng đảo”- ông Dũng cho biết.

Trên đảo cũng có “vườn ươm” cây giống được chăm chút vươn mình lên xanh tốt và thử nghiệm trồng mận, bưởi, xoài…

Đắp đê, chắn lưới… bảo vệ từng cây xanh

Những con đường trên đảo Trường Sa rợp bóng cây tra, xanh tốt quanh năm.
Những con đường trên đảo Trường Sa rợp bóng cây tra, xanh tốt quanh năm.

Hiện nay, “đảo Trường Sa được cây xanh bao phủ, không gian thoáng mát xanh, sạch, đẹp”- ông Trần Văn Hoàng cho biết. Cùng những hàng cây rợp bóng mát dọc các tuyến đường, nhiều khu vực vẫn đang được “xanh hóa”.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên nhìn hàng dừa mới trồng được che chắn như chiếc lồng, ông Hoàng giải thích: “Điều kiện trên đảo rất khắc nghiệt, phải đắp đê, chắn lưới để bảo vệ cây khỏi sóng, gió biển”.

Để một cây giống từ đất liền cắm rễ sâu giữa lòng biển đảo, để có một màu xanh giữa trùng khơi… cũng là một công trình kỳ vĩ!”

Với phương châm chủ động, tự chủ với ý chí và nghị lực, quân dân trên quần đảo Trường Sa đã biến những điều “không thể” thành hiện thực, từ đảo cát trắng trở thành đảo rợp bóng cây và rất nhiều màu xanh của cây trái, rau củ khác phục vụ đời sống hàng ngày.

“Vườn rau treo” tươi tốt của quân và dân đảo Trường Sa Đông.
“Vườn rau treo” tươi tốt của quân và dân đảo Trường Sa Đông.

Dẫn chúng tôi ra vườn rau tươi tốt phía sau nhà, anh Nguyễn Minh Vinh, hộ dân nhà số 5 (TT Trường Sa), cho biết các hộ dân trên đảo đều tự trồng rau, chăn nuôi cải thiện bữa ăn gia đình.

Mặc dù thời tiết “từ tháng 10 đến ra Giêng gió Đông Bắc tràn về mang theo nhiều sương muối, không trồng rau được”, nhưng luôn tìm cách che chắn để rau luôn xanh tốt.

Tại điểm đảo Đá Đông B có đến “2 khu vườn bí mật”- theo cách nói vui của Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh, bởi các vườn rau được xây tường kiên cố bao quanh.

Để tránh gió, nước biển, các loại rau cải, muống, quế, ngò tàu, mồng tơi… còn được “làm nhà” bằng bọc nilon che chắn. Trung úy Nguyễn Ngọc Khánh bảo: “Rau xanh rất kỵ gió, hơi muối, nước biển. Khi trời gió, sóng biển lên cao thì phải đậy lại cho rau tránh gió.

Rau trồng ngoài đảo phải xử lý ngâm giống, làm đất thật kỹ càng vì đất dễ bị nhiễm mặn. Mùa từ tháng 5-8 biển êm, ít gió, nắng nhiều cây phát triển thuận lợi, còn mùa cuối năm khó khăn hơn, nắng ít mưa nhiều, gió mạnh, biển động… nên chúng tôi phải chăm rau như chăm… em bé vậy!”.

Các luống rau ở “vườn treo trên biển” được tính toán gieo trồng, thu hoạch luân phiên, hết lứa này lại trồng nối lứa khác để luôn có rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Theo Trung úy Khánh, các chuyến tàu từ đất liền chở lương thực thực phẩm cần thiết ra đảo, thì “giống rau và đất cũng là thứ quý giá bà con đất liền gửi ra cho chúng tôi”.

Cùng với việc trữ nước mưa để tưới rau và sinh hoạt, nguồn năng lượng tái tạo cũng được cán bộ, chiến sĩ khai thác và vận hành tốt.

Một góc đảo Trường Sa Đông.
Một góc đảo Trường Sa Đông.

Ngoài đảo việc lắp đặt đã khó, vận hành còn khó khăn gấp đôi vì điều kiện thời tiết sóng to gió lớn tác động đến quá trình hoạt động bình thường của các hệ thống.

Ví dụ, hơi muối mặn bám lên các thiết bị gây han gỉ. Hàng năm các cơn bão, cơn gió cường độ lớn làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của thiết bị.

Chính vì thế, lính đảo phải luôn có giải pháp sáng kiến để vận hành hệ thống, tỉ mỉ và cẩn thận hơn. Thường xuyên lau sạch hơi muối bám trên bề mặt các tấm pin, vết han gỉ ở chân quạt đảm bảo sự hoạt động bình thường”.

Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, bóng mát mà còn là những phên giậu che, chắn gió bão, góp phần vào hoạt động phòng thủ, chiến đấu của quân và dân trên đảo.

Huyện đảo Trường Sa hôm nay đã mang diện mạo mới, đời sống của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng tốt hơn. Trường Sa đã và đang trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngày nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, luôn nhận rõ vinh dự và trọng trách của mình, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để gìn giữ, bảo vệ từng tấc đất đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với những tình cảm và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân- Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khẳng định: Triển khai chương trình “Xanh hóa Trường Sa” là một chủ trương lớn. Để Trường Sa thêm xanh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân rất mong tiếp tục được nhận sự chung tay góp sức của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài để phủ xanh các đảo, xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng chính quy xanh, sạch, đẹp, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC