Chuyện những người Vĩnh Long trên đảo Thổ Chu

Cập nhật, 05:29, Thứ Bảy, 18/04/2020 (GMT+7)

 

Chị Võ Thị Kim Anh làm nhành mai, bánh chưng, dưa hấu giả để kể câu chuyện về tết cho các em bé trên đảo.
Chị Võ Thị Kim Anh làm nhành mai, bánh chưng, dưa hấu giả để kể câu chuyện về tết cho các em bé trên đảo.

Đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc- Kiên Giang) là hòn đảo xa nhất về phía Tây Nam của Tổ quốc. Cuối tháng 4 năm nay, tròn 27 năm Chính phủ Việt Nam quyết định tái lập xã đảo.

Thật xúc động và dâng tràn tự hào khi chúng tôi đến gặp những đồng hương Vĩnh Long đã ra đảo sinh sống. Giữa muôn vàn khó khăn, họ cùng nhau ươm mầm xanh của sự sống, cùng nhau bám đảo, giữ biển. Thời gian có thể đong đếm nhưng tình cảm và sự gắn bó kỳ lạ giữa người và đảo thì khó mà lý giải.

Họ bám đảo, 27 mùa xuân

Chú Lê Trường Giang 65 tuổi, giọng sang sảng, đon đả đón khách lên thăm đảo. Ở Trạm Ra đa 610 (Tiểu đoàn 551), khi biết chúng tôi là người Vĩnh Long, chú Hai Giang vừa cười vừa vội nắm lấy bàn tay chúng tôi: “Ba tui tên Lê Trắc, quê gốc ở xã Thành Lợi, ngày trước thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long”.

Như một thước phim quay ngược thời gian, giọng chú Hai Giang lúc trầm trầm, lúc sôi nổi pha trò kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu đặt chân lên đảo cùng những đổi thay ở nơi mà chú gọi là “quê hương thứ 2”.

Chú Hai Giang kể: “Năm 1993, tui cùng ba mẹ, anh chị với 4 người con lên tàu ra đảo lập nghiệp. Ba tui từng có thời gian dài làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn Campuchia. Khi về hưu, ông cùng gần 20 hộ ra đảo lập nghiệp theo chính sách di dân của Chính phủ. Ba tui đã thành lập chi bộ đảng với 3 đảng viên và trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Thổ Châu”.

Hồi mới ra đảo, chú nhớ lại cuộc sống vô cùng khó khăn: “Đi toàn đường rừng. Cầu cảng chưa có thì chở dừa ra rồi liệng xuống nước, đu theo dừa lội vô bờ… Còn nếu bệnh thì chỉ biết lạy ông trời cho khỏi chứ hổng có thầy thuốc, trạm xá đâu mà đi khám”.

Con gái lớn 16 tuổi, con trai út 7 tuổi theo học bổ túc ban đêm do bộ đội dạy, đến khi điều kiện đi lại với đất liền thuận lợi hơn, các con vào đất liền học tiếp. Chú cười tươi, nói: “Thật lòng mà nói, hồi đó khổ cực mà vợ chồng tui chỉ mong các con học hành đàng hoàng, rồi quay ra công tác tại xã đảo, chớ không muốn con mình rời bỏ nơi này”.

Gia đình chú Lê Trường Giang (trái) là một trong những hộ ra đảo Thổ Chu đầu tiên năm 1993.
Gia đình chú Lê Trường Giang (trái) là một trong những hộ ra đảo Thổ Chu đầu tiên năm 1993.

Gần 20 năm công tác ở Hội Cựu chiến binh, chú Hai Giang còn nổi tiếng là một “cây văn nghệ” trên đảo. Chú là thành viên Hội Văn học nghệ thuật huyện đảo Phú Quốc, chuyên sáng tác lời mới dựa trên làn điệu đờn ca tài tử.

Chú vui vẻ kể: “Hồi xưa tui làm chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử và ca nhạc. Lúc đó đời sống tinh thần của bà con thiếu thốn lắm. Mình là người biết nên muốn xây dựng món ăn tinh thần cho địa phương, cũng là để giao lưu và phục vụ đám tiệc của bà con”. Dù không có đầy đủ nhạc cụ nhưng đàn kìm, guitar, sáo thì luôn sẵn sàng. Giữa biển trời Tổ quốc, bài hát “Yêu lắm Thổ Chu tôi”, “Hàn Mặc Tử”, “Lá trầu xanh”… vang vọng. Tiếng hát để vơi bớt nỗi nhớ quê, xa nhà và họ động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Ba của chú Hai Giang công tác ở xã từ năm 1993 đến năm 1999, sau đó ông mất, nằm lại trên đảo. Chú Hai Giang kể: “Gia đình có truyền thống cách mạng, là những đảng viên, tụi tui luôn dạy con cháu ý thức trách nhiệm, tình yêu với mảnh đất này hơn hết phải làm sao gắn bó giữa quân và dân để bảo vệ bình yên cho hòn đảo.

Các con tui đều làm công chức trên đảo. Người em thứ 7- Lê Như Ý là cán bộ văn hóa. Con trai của chú Bảy Ý là bộ đội trinh sát đặc nhiệm của Đồn Biên phòng Phú Mỹ ở Kiên Giang”.

Vợ chồng “gieo chữ” nơi đảo xa

Nhà anh Đinh Trung Tín nằm gần bến cảng Bãi Ngự với khu chợ nhộn nhịp. Rời quê ở xã Long Phú (Tam Bình), anh Tín ra đảo theo lời “rủ rê” của một người bạn. Hơn 10 năm dạy nhạc ở Trường Tiểu học- THCS Thổ Châu, anh Tín đã trải qua một phần tuổi trẻ đẹp nhất trên hòn đảo này.

Đảo Thổ Chu cũng là nơi chuyện tình yêu của anh được viết nên với chị Võ Thị Kim Anh. Chị Kim Anh kể: “Năm 2010, khi tôi đang học sư phạm năm cuối ở Vĩnh Long thì biết tin Phú Quốc đang thiếu giáo viên, ra đến nơi mới biết Thổ Chu xa xôi, đi tàu 8 tiếng mới tới. Tôi khóc suốt cả tháng liền, tất cả khó khăn có mình ên mình chịu nên định đi về. Nhưng khi gắn bó vài tháng, thấy trẻ ở đây đáng yêu quá, nghĩ trong đầu, ai ra đến đảo cũng muốn về thì ai là người gieo con chữ”.

Đồng hương và cũng là đồng nghiệp, mối duyên tạo nên sự gắn kết và họ về chung một nhà sau 1 năm ra đảo. Thấy những người trẻ tình nguyện ra dạy học, dân đảo thương nên cho vô ở một ngôi nhà lâu rồi không có người ở. “Căn nhà chỉ có 1 cái giường. Tài sản của chúng tôi vỏn vẹn có cái vali đựng cái áo cưới màu xanh của tôi”- chị Kim Anh nhớ lại.

Anh Tín kể: “Đó là góc bếp mà người dân ít xài tới, khói bám đen trên nóc. Ban đêm, đài báo bão, nằm ngủ mà cứ phập phồng, nhiều khi sáng ngủ dậy thấy 1 bên vách mất tiêu, gió bay tuột lá hết trơn”.

Chị Kim Anh tiếp lời: “Hồi đứa con đầu còn nhỏ, tôi vừa dạy trên lớp mẫu giáo mà cột con ở góc cột ngoài cửa lớp, đau đứt ruột khi kiến cắn con đỏ hết mà nó hổng khóc”. Những lần học trò trên đảo ào vô dọn nhà phụ hay bó hoa rừng tặng nhân ngày 20/11… là những món quà động viên lớn để vợ chồng chị bám đảo hơn 10 năm.

Chúng tôi đến thăm Trường Mẫu giáo Thổ Châu vào những ngày giáp tết. “Người từ đất liền” nghẹn ngào khi thấy chị Kim Anh làm những bông hoa mai giả, xin được của đoàn chúc tết năm ngoái, cất thật kỹ rồi năm nay lấy ra. Cái bánh chưng thì được tận dụng làm từ vỏ hộp sữa. Vậy mà các bé tưởng thật, hỏi “Cô ơi chừng nào con được ăn bánh”.

Gieo chữ cho những em bé trên đảo là lý tưởng, là động lực để vợ chồng anh Tín bám đảo hơn 10 năm.
Gieo chữ cho những em bé trên đảo là lý tưởng, là động lực để vợ chồng anh Tín bám đảo hơn 10 năm.

Đồng nghiệp của chị Kim Anh- cô giáo Trần Ngọc Du- chia sẻ: “Em dạy học đã 3 năm. Sinh ra lớn lên trên đảo này, em ra Rạch Sỏi, Kiên Giang học sư phạm mầm non rồi quay về đảo dạy học. Tấm lòng của thầy Tín và cô Kim Anh khiến em rất cảm động. Ở tận Vĩnh Long ra đây không ngại khó khăn. Em là người con sinh ra từ đảo nên muốn ở lại cùng họ dạy dỗ, chăm sóc những em bé ở đảo”.

Chú Hai Giang, chú Bảy Ý giống như “quyển từ điển sống” thuộc từng ngõ ngách, nhớ rõ từng đổi thay của xã đảo bởi họ đã ở đó 27 mùa xuân. Không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng họ chọn Thổ Chu là điểm dừng chân của cuộc đời mình. Vợ chồng anh Tín bộc bạch: “Dù mong lắm trở về đất liền, đoàn tụ ăn tết với gia đình nhưng về mấy ngày thì nhớ đảo, lại muốn ra”.

Một lần ra Thổ Chu gặp những người bám đảo, giữ biển mới thấm thía câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Sức mạnh của tình đời, tình người là bằng chứng sống động để thấy rằng: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”…

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- đã cùng đoàn công tác ra thăm đảo Thổ Chu, gặp chú Hai Giang, thăm gia đình anh Tín. Đồng chí đã nói: “Vùng đất này còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các anh em vẫn lạc quan, kiên trường bám trụ. Cần phải tuyên truyền, giáo dục để mọi người, nhất là thế hệ trẻ thấy được, hiểu được cuộc sống, sự hy sinh đó, để làm sao cả xã hội chung tay hướng về biển đảo. Ngoài cơ sở vật chất thì rất cần tình cảm để họ có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn”…

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY