Nghề cấy dây khoai lang ở Phú Thịnh

Cập nhật, 08:32, Thứ Năm, 06/10/2016 (GMT+7)

“ … Thấy vất vả, cực khổ, lấm lem vậy chớ gia đình tui sống “khỏe re”, mua sắm đầy đủ vật dụng trong nhà lại còn nuôi 2 đứa con học đại học ngon lành, tất cả đều nhờ vào cái nghề “cấy” dây khoai lang hết…”- chị Lê Thị Tuyết (ấp Phú Hữu Đồng) vui vẻ nói với chúng tôi.

Lao động trên những cánh đồng khoai lang.
Lao động trên những cánh đồng khoai lang.

Gia đình chị Tuyết hiện có 3 thành viên làm nghề này, gồm vợ chồng chị và con gái lớn. Riêng chị Tuyết và người bạn đời đã gắn bó với nghề này gần 30 năm qua. Con gái cũng đã theo nghề được 15 năm.

Kết cấu thổ nhưỡng ở xã Phú Thịnh (Tam Bình) vốn là đất cát pha sét nên khá phù hợp cho việc phát triển các loại rau củ, trong đó khoai lang với các loại khoai lang tím, sữa, trắng, đỏ,…

Điều rất đặc biệt và lợi thế tại đây là khoai lang phát triển rất tốt, sản lượng rất cao, chất lượng thơm ngon, dẻo nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Sau khi cấy khoảng 4- 5 tháng, sẽ tiến hành thu hoạch khoai. Thường thì thương lái đến tận rẫy để ngã giá, thu mua, vận chuyển.

Bà Lê Trần Bảo Uyên (TP Hồ Chí Minh) là bạn hàng khoai lang thường xuyên của nông dân trồng khoai tại xã Phú Thịnh cho biết: “… Tôi gắn bó với vùng đất này hàng chục năm qua nên cho dù giá cả có biến động, thời tiết bất thường, chúng tôi luôn giữ chữ tín trong làm ăn với nhau…”.

Bà còn cho biết thêm: Ở miền Tây Nam Bộ, khoai lang Bình Tân, Phú Thịnh ở Vĩnh Long luôn được “thượng đế” tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, Campuchia ưa chuộng nên bán rất chạy.

Vậy nên rất nhiều nông dân chọn phương án trồng khoai lang làm con đường phát triển kinh tế chủ yếu của mình, dẫn đến việc tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương với nghề truyền thống “cấy” dây khoai, nhổ khoai lang. Chỉ riêng 2 ấp Phú Hữu Đông, Phú Hữu Tây có hàng trăm người, đa số là phụ nữ làm nghề này.

Công việc “cấy” dây khoai thường được bắt đầu từ lúc 1 giờ sáng và kết thúc vào lúc bóng xế chiều hôm (17 giờ).

Lý giải về nguyên nhân phải lao động trong đêm, chị Nguyễn Thu Tâm- người đã có 20 năm làm nghề này cho biết: “… Phải làm đêm để có được không khí lao động mát mẻ, năng suất cao. Ban đầu buồn ngủ lắm, riết rồi quen. Ban ngày nắng nóng, năng suất thấp lắm…”.

Để công việc trôi chảy, mau chóng, chủ đất thường chuẩn bị các công việc cần thiết như thuê người cuốc đất thành những giồng đất cao cách đều nhau, để rỏ đất từ 3- 5 ngày, sau đó dùng máy bơm nước tưới cho đất tơi ra, mềm xốp.

Công đoạn cuối cùng là dùng dao đào lỗ và “cấy” dây khoai xuống. Giá trả cho lao động lên giồng, bơm tưới (đa phần là nam giới) hiện khoảng 180.000- 200.000 đ/người/ngày. Riêng giá tiền trả cho người “cấy” dây khoai (chủ yếu là phụ nữ) được tính trên đơn vị bó. Hiện nay mỗi bó được trả 7.000đ (khoảng 200 cọng dây khoai).

Với người quen việc, tay nghề cao thì sẽ có thu nhập xấp xỉ 300.000 đ/người/ngày, người có tay nghề kém hơn sẽ có thu nhập từ 250.000- 270.000 đ/ người/ngày. Một con số thu nhập rất hấp dẫn tuy thời gian lao động có kéo dài.

Công đoạn tưới đất trước khi “cấy” dây khoai.
Công đoạn tưới đất trước khi “cấy” dây khoai.

Chị Nguyễn Thu Tâm còn cho biết thêm: “Nhiều năm qua, chúng tôi có việc làm ổn định do ngày càng có nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng khoai. Bình quân mỗi lao động có việc làm từ 10- 15 ngày mỗi tháng. Thời gian còn lại thì lãnh việc nhổ khoai với tiền công từ 110.000- 130.000 đ/người/ngày. Nếu người nào có nhiều ruộng, vườn thì tranh thủ thời gian trống để chăm sóc”.

Thường thì các lao động sẽ tự tổ chức thành từng nhóm, cử người làm tổ trưởng để hợp đồng miệng với chủ đất trồng khoai, nhận và giao lại tiền cho từng lao động tương ứng với năng suất công việc từng người bỏ ra.

Do phải cơ động trên nhiều diện tích khác nhau, các lao động làm nghề này thường sử dụng xe máy đi từ nhà đến nơi lao động, mang theo nhiều dụng cụ hành nghề như: nón, ủng, khẩu trang, dao, đèn bình ắc quy lẫn nước uống, cơm…

Nghề “cấy” dây khoai lang tuy không mới, không nhàn nhưng đã giải quyết được rất nhiều việc làm ổn định cho lao động, đặc biệt là phụ nữ không đất sản xuất ở nông thôn- trong đó có xã Phú Thịnh.

 Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ