Đi trong "lá phổi xanh" Cần Giờ

Cập nhật, 05:40, Thứ Bảy, 24/09/2016 (GMT+7)

Qua phà Bình Khánh, Rừng Sác là tuyến đường duy nhất xuyên qua huyện đảo Cần Giờ, “ốc đảo xanh” cách không xa trung tâm thành phố sôi động bậc nhất cả nước- TP Hồ Chí Minh.

Đường Rừng Sác nối TP Hồ Chí Minh với biển Đông dài hơn 40km, đã góp phần thúc đẩy vùng đất này phát triển và từ đây dẫn dắt du khách đến các điểm tham quan giữa “lá phổi xanh” Cần Giờ.

Cần Giờ xanh mênh mông

Trong chuyến “Đường sông miền Tây” năm trước, trên chuyến tàu hàng chúng tôi lần đầu tiên “thâm nhập” rừng ngập mặn Cần Giờ len lỏi vào sông rạch hai bên toàn bần, mắm, sú, chà là, dừa nước,… tàu hàng chở vỏ lãi từ Cà Mau cung cấp cho đại lý, khi neo lại gần cầu An Nghĩa, anh em lơ tàu “săn” sâm đất ở cánh rừng để đãi tôi món đặc sản “tốt cho phái mạnh”.

Sau chuyến đường sông, tôi vẫn mong muốn khám phá nhiều hơn “ốc đảo xanh” độc đáo…

Du khách giao lưu với những chú khỉ tinh nghịch.
Du khách giao lưu với những chú khỉ tinh nghịch.

Và lần này, chúng tôi “thâm nhập” Cần Giờ trên đường Rừng Sác thoáng rộng 6 làn xe, nhưng anh Vinh “thổ địa” luôn nhắc chừng: “chạy trong “len” dành cho xe máy, đừng lấn ra ngoài và chạy 40 km/giờ thôi”.

Dù không gặp cảnh sát giao thông nào, nhưng ý thức “thường xuyên kiểm tra tốc độ” đã khiến người lái “nối đuôi” nhau khá trật tự.

Chúng tôi đi ngang qua nhiều ngôi nhà lầu lộng lẫy, anh Vinh bảo “người ta xây cho chim yến ở đó”. Với lợi thế sinh thái với khí hậu, môi trường tốt, trước đây Cần Giờ từng lên “cơn sốt” đất nền nuôi chim yến kinh doanh, nhiều người ôm giấc mơ làm giàu!

Đường Rừng Sác như được bao bọc bởi một màu xanh ngát bất tận của rừng nối tiếp rừng. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn gọi là Rừng Sác “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh, phục hồi ngoạn mục từ sau chiến tranh và đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Theo tài liệu tham khảo, rừng có tác dụng hấp thụ khí độc hại thải ra từ sản xuất công nghiệp và giao thông, đồng thời trả lại cho môi trường khí oxy cần thiết cho quá trình sống của con người, giữ hơi ẩm cho nội thành qua hệ thống gió thổi từ biển Đông vào, lọc nước thải từ các quận nội thành đổ về, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.

Bên cạnh, với ưu thế của một vùng sông nước, phong cảnh hữu tình, hệ động thực vật đa dạng, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đang dần hình thành khu du lịch sinh thái độc đáo.

“Sân” nghêu Cần Giờ, thấp thoáng Vũng Tàu xa xa.
“Sân” nghêu Cần Giờ, thấp thoáng Vũng Tàu xa xa.

Cung đường xuyên huyện đảo đủ dài để chúng tôi kịp tìm hiểu về Rừng Sác. Sác là tên gọi loài cây ngập mặn (còn gọi là mắm) thường sống cùng với các loại cây khác như sú, vẹt, đước, ô rô, chà là…

Mà người ta ví đó như một tập đoàn cây tiên phong lấn biển. Nơi chưa có cây gì khác mọc được, cây mắm, cây đước đi trước, vươn rễ giữ đất, tạo điều kiện cho các loài cây khác đi theo, dừa nước đi sau cùng.

Có gì dưới tán rừng Sác?

Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ và tới trước là: thăm khỉ! Ngay từ “vòng gửi xe” Khu du lịch Đảo Khỉ, chúng tôi đã chứng kiến cảnh hay ho của hàng chục chú khỉ hiếu động giật chiếc nón lưỡi trai, rồi nhảy tót lên cành cây khiến cậu bé sợ khóc thét.

Nên nhân viên luôn nhắc chừng khách cẩn thận đồ đạc, nhất là máy ảnh, túi xách và các đồ ăn mang theo, vì những chú khỉ sẽ ngang nhiên “ăn giật” bất cứ thứ gì chúng nhìn thấy và nghĩ là… ăn được.

Cả ngàn con khỉ được thả nuôi hoang dã, chúng rất dạn dĩ và sẵn sàng “đùa chút chơi” khi bất thình lình lao xuống giật kẹp tóc của nữ du khách.

Cũng có chú khỉ chỉ lấy đồ ăn khi khách đưa cho, khỉ mẹ chia phần ăn cho đứa con bé bỏng địu bên mình… là những hình ảnh gây nhiều xúc cảm và ấn tượng.

Đi ca nô giữa rừng Sác.
Đi ca nô giữa rừng Sác.

Ngoài đảo Khỉ, “cảm giác mạnh” còn được du khách tìm thấy ở Đầm Dơi, nơi sẽ bắt gặp từng đàn dơi quạ treo mình ẩn bên trong tán lá những ngọn đước cao.

Ngồi ca nô đến Sân Chim giữa dòng sông xanh biếc xem bầy cò kiếm mồi. Lên tháp Tang Bồng nằm ở giữa Khu du lịch Vàm Sát với chiều cao 26m, để chiêm ngưỡng toàn cảnh khu rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đi ca nô len lỏi qua những khu rừng câu cá thòi lòi, hay mạnh hơn nữa là ngồi thuyền câu cá sấu…

Rời những tán rừng, đường Rừng Sác tiếp tục dẫn du khách tới Cần Thạnh, một thị trấn nhỏ bình yên. Anh “thổ địa” cho chúng tôi lót dạ bằng món bánh khọt lạ miệng. Trước khi đi chợ hải sản Hàng Dương, chúng tôi ghé qua Lăng cá Ông nằm trong khu chợ Cần Giờ trưng bày bộ xương cá Ông dài đến 17m.

Anh Vinh đã đúng khi mua hải sản như tôm tít, ghẹ, hào… ngay chợ Hàng Dương vì tươi ngon và giá khá rẻ, đem ra bãi biển Cần Thạnh nhờ quán chế biến chỉ tính công phục vụ.

Tại đây, vừa thưởng thức hải sản vừa nằm võng thư giãn bên bờ biển dưới những hàng dương rì rào, bạn có thể thấy những ngọn núi và những tòa nhà nhấp nhô của TP Vũng Tàu xa xa. Mà cận cảnh là đời sống người dân nuôi nghêu, khi triều rút để lộ bãi “sân” nghêu trải dài tít ngoài khơi.

Mà “đời nghêu” cũng lắm thăng trầm, mới cách vài tháng trước, nhiều hộ nuôi nghêu tại huyện đảo đứng ngồi không yên do nghêu bất ngờ chết hàng loạt “nhưng chẳng hiểu vì sao nghêu chết” trong dòng chảy nước biển!…

“Nghề nghiệp mà… phải đeo thôi”- anh chủ quán có nước da rắn rỏi vãn chuyện với khách đường xa, vừa luôn tay bổ dừa nước.

Dừa nước ven đường Rừng Sác là đặc sản, chúng tôi từ miền Tây sông nước quá biết, nhưng đối với nhiều du khách thành phố thì dừa nước là “trái gì lạ vậy anh, nó sống trên bờ hay dưới nước?”…

Theo anh chủ quán, ngày thường bán vài chục buồng, ngày lễ, cuối tuần tiêu thụ cả trăm buồng một ngày, “bổ dừa muốn rụng tay”. Ngơi tay lại dẫn khách ra mấy cái lu sau nhà rộng mực tua, cua biển… “Tui mới bắt về đó. Toàn đồ đặt nhà hàng. Cực khổ lắm mới bắt được”.

Nhà anh có đủ lọp lưới, “23 cửa ngục”, mỗi con cua, cá, tôm đều có dụng cụ “chuyên trị”. Chẳng hạn, con sâm đất, dụng cụ đơn giản là cây cuốc, xẻng luôn được mài sắc nhọn để đào sâu xuống đất nhiều rễ cây, nhưng luôn đối mặt với muỗi, vắt, gai nhọn cây rừng,…

Nghề bắt sâm đất mưu sinh như anh chủ quán quả thật không “hồ hởi” như những anh bạn lơ tàu của chúng tôi.

Hết vào rừng, ra biển lên bờ lại thêm việc bổ dừa nước, tiếp đãi khách thành phố “cái gì cũng hỏi, mệt chết, nhưng nghề nghiệp mà…”, nên anh chủ quán lúc nào cũng có đủ thứ chuyện hay ho tiếp chuyện giúp du khách “biết về xứ biển của tui, nhiều lắm, chịu nghe tui nói tới sáng”!

Nếu nói địa đạo Củ Chi là “căn cứ chìm” thì rừng Sác là “căn cứ nổi”. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Đặc khu Rừng Sác được coi là “căn cứ nổi” của bộ đội đặc công, nơi đây đã diễn ra hơn ngàn trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Những chiến công đó được lưu danh nơi tượng đài tưởng niệm vong linh 860 chiến sĩ đặc công rừng Sác, cùng dòng chữ: “LòngTàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó/ Khói lửa ngút trời sử sách ghi”.

Bài, ảnh: AN HƯƠNG