Lão... "ăn mày"

Cập nhật, 10:19, Thứ Tư, 04/11/2015 (GMT+7)

Bác Năm giật mình nhìn thấy người ngồi cạnh bàn là lão ăn mày mà mình mới gặp lúc mới bước xuống xe. Chỉ hơn 3 giờ đồng hồ mà lão “Cái Bang” này thay đổi hẳn, từ một người ăn xin khốn khổ, thoáng chốc “biến” thành một người đàn ông đứng đắn với tô phở khói bay nghi ngút.

Bước xuống bến xe miền Tây, bác Năm (ở Mang Thít ) ghé vào một quán cóc gọi ly trà đá giải khát trong lúc đợi đứa con trai ra đón. Đang loay hoay tìm số điện thoại thằng con, bỗng một lão ông già yếu, chống gậy, quần áo rách tả tơi, tay cầm chiếc nón lá cũ kỹ với ít tiền lẻ dưới đáy nón. Người ăn mày tiến đến trước mặt bác Năm van xin thảm thiết:

- Ông bà, cô bác thương tình cho tôi ít bạc lẻ mua gạo!

Sẵn tính thương người, bác Năm mời lão ngồi xuống để uống nước và tìm hiểu về hoàn cảnh đáng thương này. Nghe xong câu chuyện đong đầy nước mắt của lão ăn mày, bác Năm vô cùng xúc động vì lão ăn mày là người đồng hương, hoàn cảnh thật bi đát. Vợ mất, cả 4 người con đều ruồng rẫy bỏ mặc, lão ông phải sống cảnh không nhà, chọn nghề ăn xin để sống qua ngày. Chìa 50.000đ cho lão, bác Năm bảo:

- Tôi chỉ có bao nhiêu đây, ông nhận để mua gạo nhé!

Nhận tiền, lão ăn mày cảm ơn rối rít rồi lê từng bước chân mệt mỏi tiếp tục cuộc hành trình kiếm tìm sự sống từ lòng thương hại của mọi người. Đang suy tư về lão ông ăn mày thì người con trai chạy xe máy đến rước bác Năm về nhà trọ để sáng hôm sau đi khám bệnh cho đúng giờ.

Chiều hôm ấy, bác Năm được người con trai chở đi lòng vòng trong thành phố rồi đến thăm một số bạn bè. Anh con trai đưa bác Năm đến một quán ăn sang trọng để ba mình được “rửa ruột” sau những ngày “cơm trắng cá kho” ở quê nhà. Vừa ngồi xuống, người con trai đã nhanh miệng gọi ngay cho bác Năm tô hủ tiếu thịt bò. Bác Năm hơi sững sờ vì nghe con trai nói giá của nó gần 10kg lúa.

Định kể cho con nghe về chuyện ở quê thì bác Năm giật mình vì giọng nói đặc sệt chất miền Tây của người đàn ông gọi thức ăn ở bàn bên cạnh giống hệt với ông lão ăn mày mà mình đã gặp. Nhìn đôi tay gầy guộc của người đàn ông, bác Năm chắc như đinh đóng cột rằng, chính người đàn ông ấy là “người đồng hương” ăn mày đã nhận nơi bác sự đồng cảm. Nhưng lạ thay, bộ dạng của lão sao thay đổi nhanh thế, không còn xơ xác mà trông vẻ đứng đắn hơn. Bác Năm bèn kể lại câu chuyện về lão ăn mày mà mình đã gặp khi vừa bước xuống xe. Nghe xong, người con trai hốt hoảng:

- Ba ơi! Đó là ông Ký nhà gần khu con ở trọ. Ông ấy chuyên giả dạng ăn mày để lừa gạt lòng tốt của người ta, ở đây ai mà không biết, chỉ có ba là bị gạt thôi!

Bác Năm vô cùng uất ức khi nghe con trai nói rõ ngọn ngành. Từ nay, bác sẽ cẩn thận hơn với những người đang hành nghề ăn xin, kiếm sống từ tấm lòng thương hại của mọi người.

Hoàng Lê (Vũng Liêm)