ĐBSCL thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả phục hồi kinh tế

Cập nhật, 08:26, Thứ Bảy, 30/10/2021 (GMT+7)

 

 Người dân mua sắm tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP Cần Thơ.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP (ngày 11-10) quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 (Nghị quyết 128) của Chính phủ, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã công bố cấp độ dịch và dần nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu tính kết nối, tỷ lệ bao phủ vaccine còn khá thấp; lượng người từ TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương đổ về nhiều những ngày qua tạo áp lực cho công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại các địa phương trong vùng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, vấn đề vaccine là mối bận tâm lớn của các địa phương vùng ÐBSCL hiện nay. Không kể Long An được phủ gần 100% dân số trên 18 tuổi, các tỉnh còn lại đều thấp. Tình trạng chung hiện nay của các địa phương là lo sợ bùng phát dịch do thiếu vaccine, trong khi Nghị quyết 128/NQ-CP đề nghị các tỉnh phải linh hoạt “bỏ rào cản” chống dịch. Với tâm lý đó, nhiều địa phương thận trọng và ràng buộc nhiều quy định. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” hay sản xuất khép kín, cũng phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên 7 ngày/1 lần, thậm chí 3 ngày/1 lần, làm tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng tâm lý người lao động.

Từ ngày 1-10, người lao động từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Ðồng Nai ồ ạt quay trở về quê miền Tây đã làm gián đoạn quá trình khôi phục kinh tế, tái sản xuất của các tỉnh. Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, tổng số lao động trở về trong những ngày qua hơn 350.000 người. Các tỉnh có nhiều lao động trở về gồm: Sóc Trăng hơn 50.000 người, An Giang 37.100 người, Ðồng Tháp 25.000 người… Trong số đó, số người chưa tiêm vaccine chiếm 40% và xuất hiện hàng trăm ca nhiễm và khả năng còn tăng cao trong thời gian tới, đang gây khó khăn cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết: Từ ngày 1-10 đến nay, lao động từ Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh về Cà Mau trên 32.000 người và trong số này có rất nhiều người là F0. Trước 1-10, toàn tỉnh có 300 ca nhiễm thì đến nay là 1.300 ca. Do Cà Mau là “điểm cuối”, người dân vào thì ở trong tỉnh chứ không đi ngang như nhiều tỉnh khác nên chi phí cho xét nghiệm đội lên khá nhiều. Hiện Cà Mau công bố dịch cấp độ 2, tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1 đạt 47,7% và mũi 2 chỉ đạt 7,8% dân số. Ðây là những cản ngại cho quá trình tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh.

Trước những khó khăn trên, để phục hồi kinh tế và thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, các tỉnh, thành phố bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP từng bước nới lỏng một số hoạt động trên tinh thần đảm bảo mục tiêu hàng đầu là an toàn, sức khỏe nhân dân. Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố đang nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp vừa kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, giúp các doanh nghiệp bám trụ sản xuất, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, để “mục tiêu kép” đạt được kết quả như mong đợi, TP Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung cần nhận diện đầy đủ những hạn chế, bất cập mà chúng ta có thể khắc phục được. Theo đó, một trong những khâu yếu cần khắc phục là tính liên kết vùng, liên kết ngành trong phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có và hạn chế việc triệt tiêu động lực tăng trưởng của các địa phương với nhau.

Ðồng quan điểm trên, ông Phan Hoàng Vũ đề xuất các tỉnh, thành trong vùng cần nhanh chóng thành lập Tổ Công tác đặc biệt để hỗ trợ tiêu thụ, cung ứng các sản phẩm của các địa phương. “Các tỉnh rà soát nhu cầu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, sản lượng hàng hóa nông sản, các mặt hàng cần tiêu thụ của các tỉnh/thành phố, qua đó tổ chức kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp các địa phương ứng dụng thương mại điện tử trong trao đổi tiêu thụ sản phẩm. Song song đó, mở các buổi giao thương trực tuyến thường xuyên giữa các tỉnh/thành phố theo nhóm ngành hàng có thế mạnh của các địa phương để hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các địa phương cũng cần xây dựng các kênh thông tin chung về hàng hóa, thường xuyên cập nhật diễn biến giá cả thị trường, tình hình xuất nhập khẩu các nước để thông tin đến các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân nhằm minh bạch về giá cả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, tránh tình trạng “cát cứ”, chia cắt, mỗi nơi làm một kiểu, từ đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề, kinh tế ÐBSCL chưa thể phục hồi trong quý IV-2021 và rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Ông Nguyễn Phương Lam đề xuất: Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự thống nhất chung giữa các tỉnh về quy định chung đi lại giữa các địa phương để lao động làm việc, vận chuyển nguyên liệu… Mặt khác, Chính phủ nên chăng trao quyền tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp trong việc tự quản lý công nhân và bảo đảm an toàn sản xuất. Các doanh nghiệp tự xét nghiệm nếu thấy cần thiết vì chính doanh nghiệp biết an toàn cho chính mình hơn ai hết.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhấn mạnh: Không dựng “đê điều” như ngoài Bắc, từ hàng ngàn năm, ĐBSCL là một hệ sinh thái an toàn sống chung với ngập mặn thành công. Tôi tin rằng khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục tạo ra một hệ sinh thái hiệu quả, sống chung an toàn với COVID-19 và bứt phá trong thời gian tới. Mỗi địa phương cần tái cấu trúc để phục hồi tăng trưởng trên cơ sở các định hướng lớn: đổi mới mô hình kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; chuyển đổi xanh, theo định hướng phát triển bền vững; nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu trong bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế đảo chiều…

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)