Gam màu tươi từ hạt gạo

Cập nhật, 21:59, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Vợ chồng anh Tài và chị Nga đi thăm đồng.
Vợ chồng anh Tài và chị Nga đi thăm đồng.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID- 19 tác động đến các hoạt động giao thương nông sản thì gạo Việt Nam đi “chinh chiến” tiếp tục đạt giải nhì cuộc thi World's Best Rice, mức tiêu thụ và tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng này cũng có nhiều điểm sáng.

Hành trình nâng tầm hạt gạo

Ai về vựa lúa miền Tây, ắt hẳn càng thấm thía câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Hiểu được những vất vả của nông dân nên những người nặng tình cùng cây lúa, hạt gạo đồng bằng vẫn ngày đêm miệt mài với chọn tạo giống tốt, xây dựng thương hiệu gạo…

Từ 3 công ruộng, vợ chồng anh Đoàn Văn Tài và chị Lê Thị Nga (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) cần cù làm lụng; đến nay, anh chị đã có trong tay hàng chục công ruộng, vườn. Bên cạnh, Hợp tác xã Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc có hàng chục héc ta chuyên sản xuất lúa giống, lúa an toàn, lúa hữu cơ và liên kết với nông dân hàng trăm héc ta. Chị Nga tâm sự: “Thấy trồng lúa mà bón phân, xịt thuốc nhiều quá, tui rất lo cho sức khỏe của những người làm lúa, ăn gạo nên quyết tâm mở rộng diện tích lúa an toàn, lúa hữu cơ, lúa thảo dược và xây dựng thương hiệu gạo”.

Cũng là người nặng tình cùng đồng ruộng nên sau khi về hưu, ông Hồ Quang Cua- nguyên là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng- vẫn tiếp tục hành trình với cây lúa và hạt gạo. Ông và nhóm cộng sự đã miệt mài chọn tạo giống, xây dựng thương hiệu gạo.

Ông Hồ Quang Cua nói: "Chúng tôi xây dựng thương hiệu theo cách sử dụng giống đạt chuẩn; chọn vùng đất phù hợp để đầu tư (2 vụ lúa/năm hoặc đất luân canh lúa- tôm; hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, không tồn dư hóa chất... Nhờ vậy, liên tiếp trong 2 năm 2019 và 2020, Việt Nam đón tin vui khi gạo ST 25 của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự đoạt giải nhất và giải nhì cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới).

“Chuỗi quá trình lai tạo giống ST 25 mất 12 năm. Còn tính luôn công trình nhóm nghiên cứu theo đuổi dòng gạo thơm thì mất tới hơn 30 năm”- “cha đẻ” bộ giống lúa ST chia sẻ vậy và cho rằng mình đã “khởi nghiệp hết phần tư thế kỷ”. Đến giờ, ông và nhóm cộng sự vẫn ngày ngày gắn bó với ruộng vườn, âm thầm chắp cánh cho hạt gạo Việt Nam vươn tầm thế giới.

Ông Hồ Quang Cua và gạo ST 25 đạt giải nhất và giải nhì cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và 2020.
Ông Hồ Quang Cua và gạo ST 25 đạt giải nhất và giải nhì cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và 2020.

Những gam màu sáng

Có hơn 30 năm trong ngành gạo với “rất nhiều thất bại lẫn thành công”, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV (Long Hồ) cho biết, từ năm 2019, thị trường gạo lạc quan hơn khi gạo Việt Nam tham gia cuộc thi gạo ngon thế giới và đạt giải nhất. Nhờ vậy, thị trường trong nước và quốc tế biết đến “gạo Việt Nam là gạo ngon”. Đặc biệt, gần đây, cách thay đổi từ giống lúa, canh tác cho đến chế biến, bảo quản, bao bì, thương hiệu được doanh nghiệp Việt Nam làm rất tốt. Theo đó, nhiều thương hiệu gạo của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng sẽ rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến ngành gạo nhưng “cũng có cơ hội chứ không hẳn chỉ rủi ro”. Theo ông, vượt qua được thách thức thì doanh nghiệp sẽ có kháng thể tốt hơn. “Đây là thời điểm xây dựng chữ tín và thương hiệu. Phước Thành IV không chỉ đã giữ được đối tác mà còn mở được thêm thị trường”- ông nói.

Sản phẩm gạo của Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV.
Sản phẩm gạo của Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV.

Ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An- cho biết: Hiện Trung An vừa tiêu thụ ở thị trường trong nước vừa ở nước ngoài. Theo đó, đã xuất khẩu gạo nhiều năm nay. Trước đây, nông dân trồng lúa gì cũng được, tới mùa thu hoạch thì doanh nghiệp mua về chế biến, rồi đi chào xuất khẩu: “Nhưng 10 năm nay chúng tôi không làm như thế nữa. Chúng tôi yêu cầu nông dân trồng theo nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tôi cho rằng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, có sự liên kết bền chặt giữa người sản xuất và doanh nghiệp chính là vấn đề quan trọng cho ngành nông nghiệp ĐBSCL, không riêng gì mặt hàng gạo”- trước tác động của dịch COVID- 19, ông Phạm Thái Bình khẳng định thêm- “Sản xuất theo tín hiệu thị trường thì có nguy cơ gì, thiệt hại cũng không có ảnh hưởng lớn. Quy mô của Trung An có thể chưa lớn nhưng về thương hiệu, chất lượng thì chúng tôi hoàn toàn tự tin”.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của cả nước đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2020 sẽ cán mốc 6 triệu tấn. Cùng với tín hiệu vui từ thị trường chất lượng cao, thì xuất khẩu gạo cũng đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản...

Trong đó, sự chuyển hướng trong cơ cấu chủng loại có thể thấy rõ tại các địa phương ở vùng trọng điểm lúa gạo ĐBSCL. Theo đó, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản không ngừng tăng lên trong những năm qua. Sản lượng lúa thơm toàn vùng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương 3,5 triệu tấn gạo.

Thực tế diễn biến giá xuất khẩu thời gian qua cho thấy, ngoài nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng liên quan đến lo ngại dịch COVID- 19, thì nhân tố quyết định giá xuất khẩu tăng cao nằm ở chính chất lượng của gạo Việt Nam. Do đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt các cơ hội đang có kỳ vọng sẽ đem lại vị thế vững chắc cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU