Làng hoa Sa Đéc xây dựng thương hiệu du lịch

Cập nhật, 05:34, Thứ Bảy, 06/02/2021 (GMT+7)

 

Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp sẽ là cầu nối cho làng hoa, doanh nghiệp và hỗ trợ đẩy mạnh thương hiệu làng nghề.
Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp sẽ là cầu nối cho làng hoa, doanh nghiệp và hỗ trợ đẩy mạnh thương hiệu làng nghề.

(VLO) Ngày 22/1/2021, Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp đã được khánh thành tại TP Sa Đéc. Trung tâm đưa vào khai thác sẽ trở thành cầu nối giữa những hộ, hợp tác xã trồng hoa kiểng với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đồng thời hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch.

Nhìn lại chặng đường mấy thập kỷ, thương hiệu làng hoa đã bắt đầu định hình, phát huy hiệu quả, chúng tôi vẫn không quên một tên tuổi “Tư Tôn”.

Từ “Vườn hồng Tư Tôn”

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, những vườn hồng ở Sa Đéc chỉ là những hộ trồng hoa truyền thống nhỏ lẻ.

Nhưng ở thời điểm đó, một thương hiệu “Vườn hồng Tư Tôn” đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt ở làng hoa này. Tư Tôn nổi tiếng trong giới trồng hoa hồng, kinh doanh theo “lối cũ” và là điểm đến cho những tour du lịch đặc biệt lúc bấy giờ.

Năm 1992, khi chúng tôi đưa những đoàn khách Nhật đầu tiên về đồng bằng, thì lúc đó “Vườn hồng Tư Tôn” đã là điểm đến không thể thiếu. Lý do thì nhiều, nhưng có 2 câu chuyện làm nên tính hấp dẫn của điểm du lịch này, đó là: cảnh sắc và con người.

Một điểm đến ven đô thị vẫn còn đậm nét nông thôn, một vườn hồng rực rỡ thu hút khách tham quan; nhưng điểm đặc biệt nhất làm nên nét độc đáo của khu vườn chính là nhân vật Tư Tôn. Tướng người cao to, giọng nói từ tốn mà sang sảng, đặc biệt giản dị và cả đời chẳng thích… mang dép.

Du khách thỏa thích làm dáng tại Làng hoa Sa Đéc.
Du khách thỏa thích làm dáng tại Làng hoa Sa Đéc.

Khi tiếp đoàn khách Nhật 16 người đang chờ ông chủ đi đám giỗ về, ông vui vẻ chào khách, rồi khoát tay: “Khoan khoan, để qua thay bộ đồ và bỏ đôi dép ra cái đã” và trở về với đôi chân trần thoải mái nhất, vì “qua mà mang dép vô nó như hành xác vậy”- Tư Tôn giải thích.

Ông Tư Tôn cũng chính là người đã đấu thầu thành công phần cung cấp hoa kiểng cho khách sạn sang trọng nhất TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là Khách sạn New Wolrd Sài Gòn.

Còn nhớ, nhà báo lão thành Lê Văn Sâm đã đặt cho Tư Tôn biệt danh “tỷ phú chân đất” trong loạt bài phóng sự về du lịch đồng bằng.

Có thể nói, vườn hồng Tư Tôn chính là thương hiệu cá nhân đã góp phần định danh cho một làng hoa hồng Sa Đéc.

Thời điểm đó, những tour khách quốc tế về Sa Đéc luôn không thể thiếu vắng điểm vườn hồng của ông Tư Tôn.

Trong những chương trình tour về đồng bằng thời điểm đó, chúng tôi có thể cho khách lưu trú ở Đồng Tháp 3- 4 ngày, riêng Sa Đéc đã chiếm 2 ngày đêm.

Những chuyến khách lẻ quay trở lại với vườn hồng, tìm thăm ông chủ đặc rật miền Tây Nam Bộ, chứng tỏ sự cuốn hút của một điểm du lịch. Thời đó, đa phần những điểm du lịch nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất luôn gắn với tên tuổi một nhân vật.

Mà lúc đó cũng không có nhiều điểm đến như ngày nay, cách làm du lịch ngày nay cũng đã khác xưa rồi; nhưng đây vẫn là điểm đáng lưu ý nếu chúng ta muốn xây dựng những điểm đến chuyên biệt, đặc trưng cho một nhóm, dạng du khách nào đó.

Đến Làng hoa Sa Đéc

Nhiều điểm vui chơi giải trí được đầu tư tại làng hoa.
Nhiều điểm vui chơi giải trí được đầu tư tại làng hoa.

Từ một vườn hồng, một nhóm hộ gia đình làm nghề nhỏ lẻ, đến một làng hoa, một thủ phủ cung cấp hoa kiểng cho cả nước; riêng mỗi mùa Tết Nguyên đán đã có từ 5- 6 triệu đơn vị hoa kiểng cung cấp cho thị trường, đó là một chặng đường dài nhưng đáng tự hào.

Ông Nguyễn Văn Hon- Chủ tịch UBND TP Sa Đéc- cho biết: “Với làng nghề hàng trăm năm nhưng làm ăn nhỏ lẻ, giờ làng hoa có hơn 2.000 hộ sản xuất trên diện tích 600ha, cung cấp hàng ngàn giống cây hoa kiểng các loại ra thị trường quanh năm.

Nên phát triển làng nghề trồng hoa là một trong 4 nhiệm vụ đột phá chiến lược của TP Sa Đéc trong những năm sắp tới”.

Từ những hộ gia đình đến một làng nghề thuộc hàng lớn nhất cả nước, đó là bước đi, là định hướng mang tầm vóc chiến lược của tỉnh Đồng Tháp.

Đặc biệt, xây dựng làng nghề gắn với phát triển du lịch làm cho sự phát triển hỗ tương lẫn nhau vô cùng “ăn ý”. Hễ du khách càng đến đông thì thương hiệu cũng tự theo đó mà nổi tiếng, trở thành thương hiệu mạnh.

Người trồng hoa kiểng cũng mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều giống cây hoa độc đáo, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp lớn chịu bỏ công sức, tiền của đầu tư lớn vào đây.

Tuần lễ Văn hóa, du lịch năm 2021 chứng kiến nhiều điểm mới, tạo thêm nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí là một minh chứng cụ thể nhất.

Mà việc ra đời một trung tâm thương mại về hoa kiểng, với định hướng phát triển nâng tầm vóc làng hoa lên cao hơn, rộng hơn ra cả nước và quốc tế, là cách xây dựng thương hiệu đáng học hỏi về xây dựng làng nghề, cũng như định hình sản phẩm du lịch.

Trung tâm Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp rộng trên 4,2ha, có nhiều khu chức năng với mục đích lớn nhất là hỗ trợ phát triển cho hơn 2.000 hộ trồng hoa truyền thống của Làng hoa Sa Đéc. Hướng đến mục tiêu từ 600ha trồng hoa kiểng hiện tại lên 850ha vào năm 2025.

Ông Nguyễn Công Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Công Minh Cây Xanh- cho biết: Trung tâm sẽ thực hiện quảng bá thương hiệu Làng hoa Sa Đéc; thường xuyên tổ chức triển lãm, hội thi, festival về hoa; kết nối thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu ra hoặc bao tiêu sản phẩm cho người dân; xây dựng chuỗi cung ứng cây xanh, hoa kiểng; hướng đến trồng chuyên canh, trồng những loại hoa có lợi thế, cho năng suất cao và phẩm chất đáp ứng thị trường xuất khẩu; đồng thời, mục tiêu xa hơn là kết hợp các gói tour du lịch đến những điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Tháp.

Từ “Vườn hồng Tư Tôn” đến Làng hoa Sa Đéc và một kiểu làm ăn hiện đại, đầu tư lớn đang bắt đầu bước vào sân chơi tầm vóc khu vực và quốc tế. Làng nghề, làng du lịch Sa Đéc sẽ còn tiếp tục là tâm điểm chú ý của du lịch đồng bằng.

Góp thêm sức bật mạnh mẽ cho sự liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành ĐBSCL trở thành “thế lực” mới cho du lịch cả nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG