Dấu ấn hàng Việt Nam ở nông thôn

Cập nhật, 15:14, Thứ Sáu, 16/08/2019 (GMT+7)

Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng (NTD) nông thôn ưa chuộng. Song, sau những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn, còn không ít lỗ hổng, điểm trừ cần khắc phục.

Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam.
Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam.

Điểm mua sắm thu hút ở vùng quê

Có thể thấy, thời gian qua, sau những nỗ lực của ngành chức năng và cả doanh nghiệp (DN) trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam về nông thôn, thì chương trình đã đạt được nhiều “trái ngọt”. Cụ thể, người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa biết đến hàng Việt Nam nhiều hơn, lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn và ngày càng tin dùng hơn.

Theo nhiều DN, chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn không chỉ là cầu nối, mà còn tạo nên hiệu ứng tích cực từ DN với NTD. DN dễ dàng tiếp cận, nắm bắt tâm lý khách hàng tốt hơn, từ đó cải thiện sản phẩm từ chất lượng đến mẫu mã. Còn NTD cũng gần gũi DN, có cơ hội thẳng thắn góp ý, cho ý kiến về sản phẩm.

Nhiều DN là “mối ruột” của chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn chia sẻ: mục tiêu tham gia không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm, mà quan trọng hơn là quảng bá, giới thiệu được sản phẩm của mình tới khách hàng và tìm kiếm được các cơ hội đưa hàng vào hệ thống của các nhà phân phối, bán lẻ.

Không chỉ vậy, điểm mới của các hội chợ, phiên chợ gần đây là các mặt hàng đặc trưng tiêu biểu của tỉnh, của địa phương cũng được tăng cường giới thiệu đến NTD. Từ đó, tạo được thiện cảm, ấn tượng tốt với NTD hơn.

Cô Trần Thị Tuyết Mai- chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Tuyết Mai (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) phấn khởi nói: “Mỗi lần tham gia hội chợ là thêm nhiều người biết đến sản phẩm hơn. Tôi cảm thấy tham gia những hội chợ như thế này hiệu quả rất cao, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn, tôi rất mừng. Sau này sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn nữa”.

Chị Lê Thị Cẩm Thúy (thị trấn Trà Ôn- huyện Trà Ôn) cho hay: “Tôi rất thích đi mua sắm ở các hội chợ hàng Việt Nam về nông thôn, vì hàng hóa ở đây hợp túi tiền, chất lượng tốt, lại còn có nhiều mặt hàng đặc sản của huyện được trưng bày bán. Tôi thấy rất vui và tự hào vì Trà Ôn cũng có nhiều sản
phẩm ngon”.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh- cho rằng: Kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn là không chỉ tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa DN và người dân nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của NTD, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam.

Người dân nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức chuỗi chương trình Hội chợ thương mại, nông nghiệp và đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2019 tại Vũng Liêm và Trà Ôn.

Tại mỗi huyện, hội chợ thu hút hơn 50 đơn vị, DN tham gia của hơn 90 gian hàng với nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân như: hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm chế biến, may mặc, viễn thông, hóa mỹ phẩm, giống cây trồng,... Hội chợ đã thu hút khoảng 2.000 lượt khách/ngày/đêm đến tham quan và mua sắm, doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng/hội chợ.

“Lỗ hổng” cần “vá”

Có thể thấy chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt và để lại nhiều dấu ấn tích cực với NTD.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, các phiên chợ, hội chợ vẫn còn không ít “điểm trừ”. Nhiều người dân tại nông thôn cho hay, do ít có điều kiện đến trung tâm mua sắm hay siêu thị nên rất trông hội chợ, phiên chợ về quê để được mua sắm hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, vừa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý.

Tuy nhiên, “năm nào cũng vậy, các hội chợ, phiên chợ chỉ đến rồi đi chóng vánh, mà hàng hóa, mẫu mã sản phẩm thì “quanh đi quẩn lại” cũng có bao nhiêu đó, chưa tạo được sức hấp dẫn với người dân tụi tui”- cô Nguyễn Thị Lệ (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) chia sẻ.

Đó là chưa kể, một số DN đến với nông thôn vẫn còn tư tưởng về quê là dịp “để xả hàng lỗi mốt, hàng tồn” mà chưa có kế hoạch quảng bá sản phẩm phù hợp, hay xây dựng hệ thống phân phối ở thị trường nông thôn. Do vậy, không ít người dân cũng chỉ coi phiên chợ như những đợt bán hàng “chợ đêm”.

Nhiều DN nhận định rằng, thị trường nông thôn rất rộng lớn, màu mỡ và giàu tiềm năng khai thác. Và thực tế cho thấy, người dân đang từng bước nâng cao hơn ý thức tiêu dùng hàng Việt Nam, nhưng vì nhiều mặt hàng tại các phiên chợ chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của NTD nên sức mua không cao.

Vì vậy, để tăng sức hút của các phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, ngành chức năng cần có những giải pháp thiết thực để khắc phục những tồn tại, “lỗ hổng” trong thời gian qua. Song song đó, DN cần có một chiến lược dài hơi, đồng bộ và hiệu quả, linh hoạt để phát triển tại thị trường nông thôn.

Để mỗi phiên chợ, hội chợ thực sự là cơ hội mua sắm hàng hóa đáng tin cậy cho người dân nông thôn, các DN cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành phù hợp với từng thị trường. Có như vậy, người dân mới tin dùng lâu dài, DN mới “trụ” lại được thị trường nông thôn.

Để đảm bảo chất lượng hàng hóa tại các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương)- cho hay: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng bày bán tại hội chợ, nhằm không để tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc “chen chân” vào hội chợ. Từ đó, giúp NTD an tâm hơn khi chọn lựa các sản phẩm, đồng thời, nâng cao hiệu quả hội chợ mang lại”.

Bài, ảnh: TRÀ MY