Làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ sống khỏe?

Cập nhật, 11:37, Thứ Sáu, 26/07/2019 (GMT+7)

Không có nguồn lực mạnh, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp so với những thương hiệu lớn, song nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) nhỏ đang chọn hướng đi mới đó là vào những thị trường “hẹp, ngách” để tồn tại và dần “bám rễ” phát triển.

Nhờ có tiếp cận thị trường mới, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng đi đúng.
Nhờ có tiếp cận thị trường mới, nhiều doanh nghiệp đã tìm được hướng đi đúng.

Dựa vào chính thực lực của mình

Không ít cơ sở, DN nhỏ cho rằng, một công ty, DN siêu nhỏ vẫn có thể mạnh lên nếu bạn hoàn toàn tập trung vào một thị trường “ngách” và thể hiện được hết thế mạnh của mình. Chỉ cần tìm được người thực sự cần sản phẩm của bạn hay phong cách dịch vụ của bạn là đã thành công.

Đồng thời, thay vì trông chờ sự hà hơi tiếp sức, bản thân mỗi DN cần tự nâng cao sức cạnh tranh bằng việc đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Bởi từ việc thay đổi từ bên trong, DN có thể nắm bắt và vận dụng các cơ hội mà các DN lớn bỏ qua và sẽ là hướng đi đúng mà DN nhỏ cần xác định.

Chuyên sản xuất các loại kẹo đậu phộng, kẹo hạt điều, Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai- Cơ sở 2 (xã Hòa Phú- Long Hồ) đã được khá nhiều người tiêu dùng (NTD) biết đến và đã có mặt tại nhiều thị trường ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang nhờ có kênh sản xuất lẫn kênh phân phối tiêu thụ.

Chị Lê Trúc My- Giám đốc công ty- chia sẻ: Công ty có thể nhỏ về quy mô, về tài chính, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có thế mạnh. Quan trọng là biết nắm bắt tâm lý, thị hiếu khách hàng. Từ đó tạo ra những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất với mẫu mã bắt mắt nhất để thu hút khách hàng.

“Công ty cũng mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại, hoàn thiện dần hệ thống dây chuyền sản xuất.

Từ đó, giúp công ty tăng thời gian bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD và phát triển mở rộng thị trường mới”- chị Lê Trúc My chia sẻ thêm.

Suy nghĩ “khi biết tận dụng khe hở mà các thương hiệu lớn bỏ qua hoặc tìm được hướng đi phù hợp với năng lực và điều kiện chắc chắn sẽ có lối ra” nên anh Nguyễn Văn Sol- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Tây Long (Long Hồ)- đã tạo ra sản phẩm đồ chơi gỗ “Made in Vĩnh Long”.

Anh Sol chia sẻ: “Phải làm sao tạo được ấn tượng tốt vào lần đầu tiên với khách hàng. Có thể không có chiến dịch quảng cáo rầm rộ nhưng với mỗi khách hàng tôi luôn cố gắng để họ tiếp nhận một cách tốt nhất về sản phẩm.

Quan trọng là phải tạo sự khác biệt, không “copy” người khác và cũng không để người khác “copy” mình. Có như vậy, họ mới nhớ đến mình và tìm mình”.

Đa dạng kênh tiếp cận thị trường

Song song với việc tự nỗ lực, không ít DN trong tỉnh cũng cho rằng, con đường rút ngắn khoảng cách dẫn đến với NTD chính là được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Bởi để đạt được điều này phải trải qua các tiêu chí lựa chọn khắt khe, chỉ DN, cơ sở nào đạt đủ yêu cầu mới được chứng nhận. Và từ đó, NTD sẽ yên tâm hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Song song đó, các DN cũng chủ động tìm cách tiếp cận các thị trường “hẹp”, thị trường “ngách” để NTD biết đến.

Nhiều DN quan niệm rằng, khác với thị trường lớn- khu vực thành thị, thị trường nông thôn khó thay đổi sản phẩm khác khi NTD đã ưng ý sản phẩm nào đó. Do vậy, sản phẩm nào đến và ở lại được thị trường nông thôn thì sẽ dần bám rễ và phát triển mạnh dần.

Do vậy, các DN, cơ sở nhỏ đã tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, các buổi kết nối cung cầu, tìm kiếm gặp gỡ đối tác trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh và từng bước tìm cách tiếp cận các nhà phân phối lớn như Siêu thị Co.opmart, Vinmart, Lotte, Satra,…

Tích cực tham gia các hội chợ, anh Liêu Trung Hải- Chủ cơ sở sản xuất Cà phê Trung Hải (Long Hồ)- cho hay: Tham gia các hội chợ, triển lãm này là dịp cho cơ sở tiếp cận với các DN, lắng nghe phản hồi của khách hàng về thiết kế mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm của mình, từ đó có cơ sở để điều chỉnh, thay đổi phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Song song đó, nhiều DN trong tỉnh cũng cho rằng: Dù thị trường ngoài tỉnh rộng mở, nhưng thị trường trong tỉnh vẫn giàu tiềm năng. Do đó, các phiên chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn tại các xã, hay các kỳ hội chợ trong tỉnh cũng là dịp để DN trong tỉnh có cơ hội “lên tiếng nói” giới thiệu đến NTD trong tỉnh.

“Đôi khi các DN tập trung tìm kiếm các đối tác bên ngoài mà quên mất thị trường trong tỉnh.Đây cũng là cơ hội để hàng hóa chất lượng đến trực tiếp NTD, giúp người dân nhận biết và sử dụng rộng rãi hàng được sản xuất trong tỉnh”- một chủ DN cho hay.

Thời gian qua, ngành chức năng cũng luôn tạo điều kiện, mở ra nhiều cơ hội cho các DN trong tỉnh, nhất là DN có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiếp cận thị trường với nhiều hình thức khác nhau.

Không chỉ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm tại thị trường trong và ngoài tỉnh, mà còn hỗ trợ cải tiến máy móc, thiết bị, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực lành nghề có tay nghề cao cho các DN.

Tranh thủ những cơ hội sẵn có, kết hợp với những lợi thế vốn có của DN để từ đó đưa các sản phẩm ngày một vươn xa hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn hỗ trợ DN (Sở Công thương)- cho biết: Để khuyến khích, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tiếp cận công nghệ sản xuất mới, hàng năm, trung tâm đã hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm lao động thủ công, hạ giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp cơ sở hạn chế rủi ro khi đổi mới công nghệ sản xuất.

Tuy nhiên, để thắng tại thị trường “ngách” cũng không phải là điều dễ dàng. DN cần đưa ra chiến lược phát triển phù hợp và xem đây là thị trường chủ chốt cho tăng trưởng; phải hiểu được nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của NTD nông thôn để làm ra đúng sản phẩm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ với giá hợp lý.

Song song đó, cũng không nên bỏ qua việc tham gia các hội chợ, các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn vì đây là sự bổ sung, lấp đầy thị trường, giúp công ty củng cố thêm thị trường.

Bài, ảnh: TRÀ MY