Blog thị trường

Tiêu thụ cá tra, chú trọng thị trường nội địa

Cập nhật, 07:32, Thứ Sáu, 01/03/2019 (GMT+7)

Dù là sản phẩm lợi thế số 1 và xuất khẩu trên 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… nhưng ở trong nước- đặc biệt là thị trường phía Bắc- các sản phẩm cá tra vẫn đang là mặt hàng xa lạ với nhiều người.

Năm 2018, xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục tới 26,4% và đã thiết lập kim ngạch cao nhất từ trước tới nay với 2,26 tỷ USD.

Được kết quả này có nhiều nguyên nhân, cụ thể là các doanh nghiệp đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường. 

Dự báo xuất khẩu năm 2019 ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là về tiêu chuẩn sản phẩm và cạnh tranh thị trường. Vì vậy, trên thực tế, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cũng đã dần quan tâm nhiều hơn tới thị trường nội địa, coi đây là “bệ đỡ” khi xuất khẩu gặp khó khăn.

Tuy nhiên, khâu phân phối sản phẩm còn nhiều hạn chế. Sản phẩm cá tra dù đã được vào các kênh mua sắm hiện đại trong nước nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn người mua vì sản phẩm đơn điệu, đa phần bán dưới dạng đông lạnh. Trên bao bì cũng không gợi ý cho người tiêu dùng cách chế biến các món ăn đa dạng từ sản phẩm cá tra…

Với gần 97 triệu người và hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, dự kiến tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam năm 2020 đạt mức 40 kg/người/năm, vì vậy theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản tại thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn mà doanh nghiệp cần chú trọng.

Điểm mấu chốt cần quan tâm ở đây chính là nâng cao việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ một cách chặt chẽ, chú trọng chất lượng sản phẩm và giá cả sao cho phù hợp nhất. 

Khi các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa song song với hoạt động thúc đẩy xuất khẩu sẽ góp phần làm giảm sự bấp bênh của nghề nuôi cá tra và giảm thiểu rủi ro khi thị trường xuất khẩu một khi gặp biến động xấu.

HOÀNG MINH