Hội nhập từ kinh tế tập thể

Cập nhật, 16:02, Thứ Năm, 28/02/2019 (GMT+7)

Trong thời đại ngày nay, 2 từ “hội nhập” được nhắc rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta biết rằng, để kinh tế đất nước hội nhập thành công với thế giới thì tất cả các thành phần kinh tế phải có sự chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Đó là bài toán mà chúng ta đã và đang tìm cách giải quyết.

Sản phẩm nông nghiệp cần có “bệ đỡ” là HTX, THT để hạn chế việc bị ép giá.Ảnh: THANH BÌNH
Sản phẩm nông nghiệp cần có “bệ đỡ” là HTX, THT để hạn chế việc bị ép giá.Ảnh: THANH BÌNH

Vừa làm, vừa khắc phục

Bối cảnh hội nhập luôn có những cạnh tranh gay gắt và sự chuyển động liên tục. Đó dường như là nhiệm vụ quá sức cho các hợp tác xã (HTX) gia nhập, nhưng đáng mừng là gần đây đã có những giải pháp để ổn định tốc độ tăng trưởng trong từng HTX và cả khu vực kinh tế tập thể.

Sự chuyển biến rõ nét của các HTX thời hội nhập được thể hiện qua các nỗ lực đổi mới sáng tạo sản phẩm, cố gắng đa dạng hóa hình thức sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp vào sự phát triển của các địa phương và toàn bộ nền kinh tế.

Tuy vậy, bản thân các HTX là đơn vị mang tính nhỏ lẻ, nặng về quan hệ và hầu hết sử dụng lao động chân tay đơn thuần. Do đó, không ít HTX gặp lúng túng trong việc cố gắng tạo ra một sản phẩm khác biệt, mang thương hiệu của bản thân.

Đơn cử như trường hợp các HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Những sản phẩm rau, thịt, chè… hầu như chưa tạo được nét độc đáo riêng, chưa đủ để hấp dẫn khách hàng, dẫn đến khó khăn trong thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới.

Đây là một lực cản không nhỏ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của thành phần kinh tế tập thể mà chúng ta đang từng bước khắc phục.

Một trong những khó khăn chủ yếu có thể kể ra là tính tự phát, chưa có tổ chức chặt chẽ của các HTX, tổ hợp tác (THT). Với các HTX kiểu mới, họ đang dần khắc phục tình trạng này do ngày càng có nhiều chủ nhiệm HTX tự trang bị cho mình kiến thức quản trị, kết hợp với học hỏi qua sách báo và kinh nghiệm những người đi trước.

Đây là tín hiệu đáng mừng vì hiện nay công nghệ thông tin và mạng internet đã phủ sóng rộng rãi, do đó những kiến thức về tổ chức, quản lý lao động đều có thể tìm thấy trên mạng. Với THT, việc khắc phục yếu kém về quản lý khó khăn hơn rất nhiều do tổ chức của THT thiếu chặt chẽ, quan hệ giữa các thành viên còn lỏng lẻo và phụ thuộc nhiều vào uy tín của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác làm ăn của THT còn thiếu ổn định, bền vững. Họ gặp nhiều bất lợi, khó khăn trong giao dịch với các thành phần kinh tế khác, khó khăn trong tiếp cận các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước.

Nguyên nhân của những khó khăn khi hội nhập quốc tế của thành phần kinh tế tập thể không khó để nhận ra. Đó là nguyên nhân nằm trong chính tư tưởng của các thành viên HTX. Do nhiều năm làm nông dân, thợ thủ công hay người buôn bán nhỏ, họ đứng ở tình trạng yếu thế khi làm ăn với các đối tác khác trong xã hội như các doanh nghiệp, bởi thiếu tính chuyên nghiệp.

Họ thiếu tính cạnh tranh, không ít HTX mang nặng tư tưởng “chiếu dưới” khi giao dịch nên gặp bất lợi trong thương thảo giá cả. Khó khăn đó còn là quy mô sản xuất, bảo vệ thương hiệu, trình độ công nghệ, vốn và thị trường.

Cần thay đổi toàn diện

Để kinh tể tập thể phát triển bền vững và đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước trong kỷ nguyên hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta cần phải nhìn nhận đó là một quy luật khách quan chứ không phải là áp đặt hay mang tính bắt buộc. Đây là công việc cấp thiết để nền kinh tế nước ta đứng vững trước áp lực hàng hóa nhập khẩu ngày càng gia tăng và nhu cầu hội nhập quốc tế. Muốn vậy, đòi hỏi các HTX cần đổi mới mạnh mẽ.

Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, nhất là các thành viên HTX, THT hiểu được rằng nếu không chịu khó vận động, chuyển mình cho phù hợp với thời đại thì không thể có đủ sức mạnh để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Cần lan truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình HTX làm ăn hiệu quả, những tấm gương sáng về chủ nhiệm HTX, về các xã viên vượt khó, vươn lên làm giàu, nhất là những mô hình HTX kiểu mới, vừa để giải thích về chủ trương đường lối, vừa vận động nhân dân làm theo.

Thứ hai, cần tích cực phổ biến kiến thức về tổ chức quản lý HTX, về phát triển nguồn nhân lực cho các HTX. Mỗi HTX cần có nhân lực chuyên về tổ chức quản lý. Công tác bồi dưỡng cán bộ ở cấp cơ sở cũng cần được chú trọng triển khai để hỗ trợ hiệu quả cho các HTX khi có nhu cầu.

Thứ ba, cần tích cực phát triển khoa học công nghệ ở các HTX, dựa vào nguồn vốn hỗ trợ xã hội hóa. Cần xây dựng HTX kiểu mới dựa trên sự tự nguyện và điều kiện của các thành viên, không áp đặt bắt buộc. Có như vậy, các thành viên HTX mới hoạt động một cách thoải mái về tư tưởng và tích cực trong công việc.

Thứ tư, cần tích cực trong việc tìm đầu ra cho các HTX và THT. Trong công tác quảng cáo, tiếp thị, cần đến tận nơi tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các đối tác có thể giới thiệu sản phẩm. Để làm được điều này, cần củng cố, tăng cường tổ chức đại diện của HTX tại địa phương (liên minh HTX), coi đây là xương sống của quá trình phát triển, đại diện cho quyền lợi và hỗ trợ tối đa cho các HTX.

Thứ năm, tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội như hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để tạo động lực, tạo sức mạnh tinh thần cho các thành viên HTX trong lao động sản xuất.

ĐINH THÀNH TRUNG