Nền kinh tế tăng tốc "về đích"

Cập nhật, 12:05, Thứ Ba, 03/10/2017 (GMT+7)

Nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Long trong quý III/2017 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến tốc độ tăng trưởng. Vì thế, trong 3 tháng còn lại, việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của năm cần phải được tăng tốc “về đích” để đạt kết quả cao nhất.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Điểm sáng xuất khẩu

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 9 tháng của UBND tỉnh cho thấy, nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và những yếu tố thuận lợi của thị trường nên kinh tế trong quý III có dấu hiệu khởi sắc.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp phục hồi nhẹ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; các hoạt động thương mại, dịch vụ khá sôi động; thu ngân sách, huy động vốn và dư nợ tín dụng tăng trưởng khá; xuất khẩu phục hồi và có thể vượt kế hoạch.

Cụ thể, ngành nông nghiệp chủ động triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giống phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, rau màu nên diện tích tăng khá.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh đề ra trong quý IV/20017. Theo đó, tập trung giải quyết các khó khăn trong việc tạo quỹ đất cũng như thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư; chủ động, đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các khu đất đã có mặt bằng sạch và các khu công nghiệp, tuyến công nghiệp… Qua đó, tạo ra năng lực mới đưa vào sản xuất kinh doanh góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.

Đáng chú ý, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác có những tín hiệu tích cực, đạt 117.922 tấn, tăng gần 3,3%. Riêng sản lượng cá tra nuôi thâm canh đạt 78.441 tấn, tăng gần 3% so cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển tích cực. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng hơn 9% so cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành tăng như: khai khoáng, chế biến- chế tạo…

Trong khi đó, qua 9 tháng đã có 21 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp; đã cấp mới 4 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 54,48 triệu USD và 55 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong khu- tuyến công nghiệp tiếp tục hoạt động khá ổn định, sản xuất tăng trưởng khá.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt 30.339 tỷ đồng, tăng 8,93% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 316 triệu USD, đạt 83% kế hoạch.

Theo đáng giá của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ do phát sinh thêm các đơn vị có hoạt động xuất khẩu mới và một số mặt hàng xuất khẩu có quy mô lớn có tốc độ tăng trưởng khá như: giày da tăng 18,89%; hàng dệt may và túi xách, vali tăng 26,86%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng hơn 13%.

Đặc biệt hàng thủy sản tăng gấp 2,5 lần so cùng kỳ do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã bước đầu phục hồi thị trường tiêu thụ.

Tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu

Mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp chưa thể phục hồi hoàn toàn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; giá cả nông sản không ổn định;

dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn; tác động của mưa, bão, lốc xoáy và đặc biệt hậu quả của xâm nhập mặn năm 2016 vẫn còn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng các loại nông sản trên địa bàn.

Thực tế, số liệu tổng hợp của ngành nông nghiệp cho thấy, qua 3 vụ sản xuất lúa cả năm ước đạt 168.805 tấn, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, so năm trước diện tích sản xuất lúa và sản lượng thu hoạch đều giảm.

So cùng thời điểm năm trước, đàn bò, đàn gia cầm tăng nhẹ, nhưng đàn heo giảm đến 7,4%. Theo ngành chuyên môn, giá một số sản phẩm chăn nuôi có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp.

Đặc biệt là chăn nuôi heo, giá heo hơi giảm mạnh do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn, trong 9 tháng năm nay, giá sản phẩm chăn nuôi có chiều hướng giảm 10-20%.

Trong khi đó, công nghiệp không duy trì được đà phát triển. IIP tuy tăng nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2016 và chưa đạt mức tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa có năng lực sản xuất mới, còn một số ngành chủ lực có dấu hiệu giảm.

Khu vực thuế công thương nghiệp- ngoài quốc doanh gặp khó

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9, nhiều địa phương phản ánh tình hình thu ngân sách gặp khó, nhất là đối với khu vực công thương nghiệp- ngoài quốc doanh.

Ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết thu ngân sách của huyện năm 2017 tiếp tục gặp khó do các ngành công nghiệp chủ lực của huyện như: đóng tàu, gạch gốm,… ngưng hoạt động, làm cho việc thu hồi nợ thuế không đạt, dù huyện có hẳn đoàn đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Tương tự, lãnh đạo các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ,… cũng phản ánh khó khăn thu thuế công thương nghiệp- ngoài quốc doanh và ước khả năng thu của khu vực này trong cả năm chỉ đạt 80-90%. Các địa phương cho biết, phải thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt đến cuối năm thì nguồn thu của khu vực này mới có thể đạt 90%, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn.

Cần đồng bộ các giải pháp

Chủ tịch UBND tỉnh- ông Nguyễn Văn Quang, chỉ đạo các địa phương, các ngành xác định các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt và chưa đạt để có giải pháp cải thiện.

Nhất là đối với các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở các xã, cần quyết liệt tập trung thực hiện để kịp về đích như kế hoạch. Đồng thời, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, trong 3 tháng cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ giải pháp theo Chỉ thị 12 của UBND tỉnh về thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.

Bài, ảnh: LÝ AN

TIN LIÊN QUAN