Nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức

Cập nhật, 12:47, Thứ Ba, 08/11/2016 (GMT+7)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những khó khăn chưa từng có trong quá trình phát triển. Và vấn đề quan trọng nhất là việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ sở cho ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển doanh nghiệp một cách vững chắc.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá thành nông sản. Ảnh: DƯƠNG THU
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, làm tăng giá thành nông sản. Ảnh: DƯƠNG THU

Những vấn đề “thời sự” của nền kinh tế

Theo Bà Phạm Chi Lan, từ đầu năm 2016, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đã gặp những khó khăn trước đây chưa từng có.

Nước ta đã phải đương đầu với nạn hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua, với tình trạng ngập mặn ở vùng ĐBSCL và thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung. Kinh tế nhiều nơi trên thế giới bất ổn, thị trường chao đảo, giá cả nhiều sản phẩm trên toàn cầu sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Ví dụ rõ nhất là nông nghiệp, ngành vừa có tầm quan trọng rất lớn về dân sinh, vừa được coi là lợi thế của nước ta, thì ngay năm 2015 đã suy giảm rõ rệt về tăng trưởng, và có nhiều ý kiến cho rằng nông nghiệp đã tới giới hạn tăng trưởng của nó và đòi hỏi một cách làm khác hẳn so với trước.

Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức nghiên cứu thời gian qua cho thấy, 4 mối lo lớn của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế là: năng suất lao động thấp và có sự sụt giảm; hệ thống đổi mới sáng tạo yếu kém; đô thị hóa nhanh nhưng chưa giúp tăng trưởng và tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng “xám” đồng thời là thách thức của biến đổi khí hậu...

Từ đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra những vấn đề mang tính thời sự hơn của nền kinh tế.

Đó là vấn đề nợ công, nợ xấu và quản trị vĩ mô, đặt ra vấn đề phải cải cách quản trị kinh tế vĩ mô. Vấn đề thời sự thứ hai là nội lực của nền kinh tế còn yếu kém, trong khi sức ép cạnh tranh hội nhập đang tăng lên.

Chỉ số năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, nhưng sức ép hội nhập lại đến mạnh mẽ hơn với việc Việt Nam hoàn tất một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có hai FTA thế hệ mới là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Vấn đề thứ ba là sự cố môi trường biển khu vực miền Trung cũng như biến đổi khí hậu- xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL.

Thứ tư là việc thích ứng trong kỹ nguyên mới với các ngành công nghệ mới. Công nghệ phát triển rất nhanh và nó sẽ tạo ra cơ hội cũng như thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Tất cả vừa tạo thời cơ rất lớn, nhưng cũng tạo thách thức không kém, bởi vì công nghệ hiện nay thật sự quyết định khả năng phát triển đột phá hoặc là tụt hậu hơn.

Biến đổi khí hậu nhìn từ kinh doanh, thị trường

Theo TS. Philip Zerrillo- Giáo sư ĐH SMU (Singapore), nhìn từ kinh doanh, thị trường thì biến đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng đến 3 vấn đề chính: môi trường kinh doanh, vận hành kinh tế quốc gia và rủi ro từ thị trường.

Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến việc lưu chuyển hàng hóa, tính ổn định về khung luật và danh tiếng (reputation) của Việt Nam. Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra một làn sóng di cư về các thành phố lớn, nơi chưa được quy hoạch để “gánh” sự quá tải đó. Khi người dân chuyển chỗ sống, dòng chảy hàng hóa, nhân sự và tiền bạc sẽ thay đổi hoàn toàn.

Hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã quan tâm nghiên cứu và sản xuất các giống lúa thích ứng hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã quan tâm nghiên cứu và sản xuất các giống lúa thích ứng hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Về việc vận hành kinh tế quốc gia, cục diện chung sẽ trở nên khó đoán. Việc khấu hao cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi, cùng theo đó là việc bố trí nhân sự và quản lý các vấn đề xã hội sẽ trở nên khó lường.

Chuỗi cung ứng sẽ là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Cuối cùng, các doanh nghiệp thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, hàng hóa sản xuất ra không đến được đúng phân khúc và giá cả sẽ tăng cao.

Còn ông Julien Brun- Tổng Giám đốc CEL Consulting, cho rằng so với Philippines, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn về hoạt động chuỗi cung ứng và điểm thương mại cũng thấp hơn Campuchia và Lào.

Tỷ lệ tổn thất trên thực tế có thể lên đến trên 40%. Tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển là một bài toán khó đối với chuỗi cung ứng nông sản.

Ngành lương thực Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh để nâng cao chất lượng không chỉ của sản phẩm xuất khẩu mà còn của sản phẩm tiêu thụ trong nước.

10 năm qua, quy mô kho lưu trữ lạnh tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, nhưng lại chủ yếu phục vụ thủy hải sản xuất khẩu. Chuỗi cung ứng lạnh lương thực cho thị trường nội địa (tại hệ thống nhà hàng và siêu thị) còn yếu.

Ở góc nhìn khác, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho rằng dưới tác động của biến đối khí hậu, chúng ta- từ chính quyền trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân đều ý thức hơn về vấn đề này.

Những thay đổi trong việc lựa chọn công nghệ, năng lượng thân thiện với môi trường cần được quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc hơn.

 

Ông Julien Brun: “Các bên sản xuất, phân phối không hợp tác với nhau. Chuỗi cung ứng lạnh cho lương thực đầu ra thị trường nội địa tại hệ thống nhà hàng và siêu thị trong nước vẫn còn hạn chế.

 

Đa phần các doanh nghiệp có chi phí rẻ nhưng sẽ gây hư hỏng, nhiễm bẩn, hao hụt và rút ngắn tuổi thọ. Việt Nam còn thiếu những quy định giúp gỡ bỏ những rào cản trong vận tải xuyên biên giới.

 

So giữa Việt Nam và người láng giềng Campuchia, mặc dù chỉ số vận tải tổng thể được đánh giá tương đương, chỉ số vận tải quốc tế của Việt Nam lại chỉ bằng một nửa của Campuchia. Từ đó ảnh hưởng tới năng lực thương mại”.

Bài, ảnh: LÝ AN