Nền kinh tế hấp thụ vốn còn yếu

Cập nhật, 05:32, Thứ Sáu, 18/11/2016 (GMT+7)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Long, thời gian qua ngành NH đã thực hiện các chính sách cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cho vay thêm vốn... đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh.

Tình hình kinh tế diễn biến tích cực tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động NH, do nền kinh tế, DN hấp thụ vốn còn yếu.

Chương trình kết nối NH- DN vào tháng 10 vừa qua, là một trong những giải pháp của ngành NH giúp DN tiếp cận nguồn vốn NH hiệu quả hơn.
Chương trình kết nối NH- DN vào tháng 10 vừa qua, là một trong những giải pháp của ngành NH giúp DN tiếp cận nguồn vốn NH hiệu quả hơn.

Dòng vốn NH đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long- nhận định trong năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương về tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN đạt kết quả tương đối tốt.

Dòng vốn NH đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên có doanh số cho vay tăng đáng kể.

Nhằm góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, trong năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng.

Đến cuối tháng 10/2016, dư nợ cho vay đạt 17.349 tỷ đồng, tăng 834 tỷ (+5,05%) so đầu năm; trong đó đáng chú ý, dư nợ trung, dài hạn đạt 7.754 tỷ, tăng 1.248 tỷ (+19,2%), chiếm hơn 44%/tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, với xu hướng lãi suất cho vay giảm, cùng các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục được triển khai thực hiện, dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao.

Một số điểm nổi bật như, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh (+10,5%). Cho vay thu mua lương thực tăng 27,5%- cao hơn tốc độ tăng trưởng chung, với việc một số DN mới nổi lên.

Cùng với đó, cho vay DN khởi nghiệp, cho vay xây dựng các xã điểm nông thôn mới, các đối tượng chính sách, cho vay hỗ trợ nhà ở, vốn cho vay trung dài hạn để DN đầu tư phát triển sản xuất tăng cao.

Qua việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhiều DN được cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cho vay mới… đã góp phần giúp 151 DN dần phục hồi, đi vào ổn định và tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, đưa ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi đối với DN có tình hình tài chính lành mạnh.

Lãi suất cho vay giảm 1- 2%, kết nối khách hàng tiềm năng từ 5%/năm, tiếp sức thành công từ 5,5%/năm, chương trình ưu đãi lãi suất bằng VND đối với khách hàng xuất khẩu 4-5%...

Nền kinh tế hấp thụ vốn còn yếu

Ngành NH đang thiếu những dự án nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết để cho vay.
Ngành NH đang thiếu những dự án nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết để cho vay.

Mặc dù tình hình kinh tế diễn biến tích cực tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động NH.

Lãnh đạo VietinBank chi nhánh Vĩnh Long cho rằng tăng trưởng tín dụng của NH phản ánh hơi thở nền kinh tế, việc tăng trưởng dư nợ cho vay đạt chưa cao, cho thấy nền kinh tế và DN hấp thụ vốn còn yếu.

Trong khi một mặt NH tích cực đi “guồng” tìm kiếm khách hàng, mở tín dụng về nông thôn; thì mặt khác lại thiếu khách hàng đủ điều kiện để cho vay.

Cũng theo phân tích của vị lãnh đạo này, ngoài tác động luồng nợ xấu dòng tiền bị siết lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn “làm cầm chừng để coi thị trường như thế nào” nên chưa có sản phẩm, DN chủ lực nào nổi bật lên.

Trong khi đó, một trong những khó khăn chung của NH trong việc phát triển khách hàng được NHNN ghi nhận, là do đối tượng mới không nhiều, các DN đa số là DN nhỏ và siêu nhỏ, quản lý theo hình thức gia đình, tình hình tài chính chưa minh bạch, thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh, dự án vay liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm hiệu quả, khả thi và khách hàng đủ điều kiện để cho vay.

Một giám đốc chi nhánh NHTM cũng nêu vấn đề liên quan đến khó khăn thu hồi nợ xấu, “đã “ăn đứt” lợi nhuận và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của chi nhánh”. Trong khi, các NH cho biết khó cho vay đối với ngành gạch gốm vì “rào cản” kỹ thuật về ô nhiễm môi trường, nợ xấu.

Theo NHNN chi nhánh Vĩnh Long, xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trong năm 2016, ngành NH tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu nhằm duy trì và kéo giảm tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và hoạt động của các DN còn nhiều khó khăn, một số DN có quy mô lớn tiếp tục khó khăn trong thanh toán nên phát sinh nợ xấu.

Bên cạnh, việc xử lý những khoản nợ cũ chậm nên nợ xấu có chiều hướng nhích lên so với đầu năm. Đến cuối tháng 10/2016, tổng nợ xấu là 367 tỷ đồng, chiếm 2,12%/tổng dư nợ, tăng 0,42 điểm % so với đầu năm.

Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Long

Vấn đề tăng trưởng tín dụng chưa đạt, do những khó khăn chung của nền kinh tế. Theo các NH là: không có đối tượng mới, một số DN lớn đóng góp tăng trưởng lớn nhưng đang gặp khó khăn, các DN khác nổi lên thì chưa bù đắp được.

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn muốn tăng trưởng được phải ứng dụng công nghệ cao, như trang trại công nghệ cao chẳng hạn. Hiện NH Nông nghiệp có chủ trương cho vay chuỗi công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch nhưng chúng ta không có dự án. Thế nên, kinh tế cần một sự bứt phá trong lĩnh vực mới, đối tượng mới…

Trong khi đó, tình hoạt động ngành NH được đảm bảo an toàn, có hiệu quả. Không có tình trạng NH thiếu thanh khoản phải tăng lãi suất bù huy động, hoặc “đi đêm” lãi suất.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC