Phát triển nền kinh tế ĐBSCL: Cần dịch chuyển cơ cấu, thay đổi tư duy

Cập nhật, 13:35, Thứ Ba, 30/08/2016 (GMT+7)

 

ĐBSCL hiện đang thiếu gắn kết giữa sản xuất và các kênh phân phối.
ĐBSCL hiện đang thiếu gắn kết giữa sản xuất và các kênh phân phối.

ĐBSCL có các ngành chủ lực là lúa gạo, thủy sản, rau quả. Nhưng hiện tại, không chỉ các ngành này mà nhiều ngành khác đang phải đối mặt những thách thức to lớn khi hội nhập.

Đó là thiếu nguồn nhân lực chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật chưa tương xứng, chưa có chính sách đặc thù và một chính sách đầu tư khởi nghiệp trên quy mô toàn vùng.

Do vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định ĐBSCL cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi tư duy tăng trưởng để phát triển và hội nhập.

Xuất khẩu 30 tỷ USD nông sản- lớn hay nhỏ?

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2015 của Việt Nam đạt gần 7 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,8 tỷ USD. Nhưng dự báo lợi nhuận của người trồng lúa trong thời gian tới vẫn rất bấp bênh, nhất là vào lúc sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp- PTNT dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ cán mức 2,5 tỷ USD và nhiều khả năng lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. Dư địa phát triển của lĩnh vực rau quả còn lớn, cần được tập trung thúc đẩy nhiều hơn.

Vấn đề đặt ra hiện nay đang được các nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm là giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang những loại cây trồng/vật nuôi khác hiệu quả kinh tế cao hơn. “Phải tính toán bước chuyển dịch, phải cơ cấu lại để thích ứng, phải gia tăng thu nhập cho nông dân. Chính phủ, các bộ ngành đều đã thấy”- ông Trần Hữu Hiệp- Ủy viên chuyên trách kinh tế (BCĐ Tây Nam Bộ) nhận định.

Tại hội thảo “Nhận định sự chuyển động của nền kinh tế ĐBSCL và áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nông- thủy sản khi hội nhập các FTAs”, tổ chức tại TP Cần Thơ tuần trước, Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- cho rằng nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL là ngành cực kỳ có lợi thế. “Mỗi năm chúng ta xuất khẩu 30 tỷ USD nông- thủy sản và là ngành duy nhất có xuất siêu”- ông cho biết.

Dù theo TS. Võ Trí Thành, nếu so với con số tiêu thụ thực phẩm mỗi năm trên toàn thế giới là 30.000 tỷ USD, thì kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ là “1 con số 0”. “Vậy mà Việt Nam vẫn được coi là đại gia trong xuất khẩu nông sản. Nói như vậy để thấy rằng tiềm năng của ngành nông nghiệp còn rất lớn”- ông bảo.

Dù có tiềm năng lớn, nhưng làm sao để tận dụng tiềm năng đó để thu về ngoại tệ và trong 30 tỷ USD đó ĐBSCL sản xuất được mấy mặt hàng?

Theo TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ, nền nông nghiệp dù vẫn có một chỗ đứng nhất định, nhưng chỉ dựa vào nông nghiệp, thì rất khó giúp kinh tế của vùng phát triển được.

“Nền kinh tế ĐBSCL trong nông nghiệp cũng cần phải chuyển dịch, đòi hỏi phải có sự sáng tạo trong sản xuất. Nếu chúng ta cứ bám chặt vào nông nghiệp, thì một lực lượng nông dân sẽ nằm sâu ở đây, ít ứng dụng cái mới, công nghệ mới và ĐBSCL không thể chuyển dịch đi lên được”- TS. Võ Hùng Dũng nhận định.

Hãy làm cái tốt nhất

Theo VCCI Cần Thơ, sau nhiều năm nông nghiệp tăng trưởng suy giảm, sức cạnh tranh dựa trên tài nguyên sẵn có, thiếu sắp xếp lại sản xuất, chưa có thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL. Đối thủ cạnh tranh ở các nước Châu Á trỗi dậy… Tất cả đang đặt ra những thách thức về tái cơ cấu trong các ngành kinh tế.

Phân tích của VCCI Cần Thơ cho thấy, cụm ngành thủy sản kẹt ở các bẫy của lợi thế so sánh. Các quy trình kỹ thuật của các thị trường quốc tế đã can thiệp sâu hơn đến khâu nguyên liệu, nhưng đến nay chưa được quy hoạch và quản lý số lượng, đặc biệt về chất lượng.

Thị trường xuất khẩu ĐBSCL đang lệ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc (chủ yếu đường tiểu ngạch, ít quan tâm chất lượng), còn các thị trường lân cận là đối thủ cạnh tranh trong ngành lúa gạo (Thái Lan và Campuchia). Trong khi giống trong nông nghiệp chưa được đầu tư
thỏa đáng…

Theo TS. Võ Trí Thành, ngoài 4 vấn đề về xuất khẩu, đầu tư, cải cách, thể chế, vấn đề tái cấu trúc nông nghiệp là mục tiêu chiến lược cực kỳ quan trọng của ĐBSCL. Mà điều cần đặc biệt lưu ý đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản mà cụ thể ở đây là thủy sản là “chất lượng sản phẩm”.

“Dù xuất đi đâu, hãy làm cái tốt nhất. Chúng ta đã tạo ra thị trường tốt qua việc gia nhập hàng loạt các FTAs với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đó là bài học tốt nhất”- ông nói- “chứ đừng chỉ chơi thị trường dễ tính như Trung Quốc, ăn một ngày, chết một năm”. Mặt khác, ông cũng cho rằng, đừng nói quá đà “con cá ba sa là độc quyền của Việt Nam”.

Thật ra, nhiều nước trên thế giới có cá da trơn vẫn có thể thay thế được cá ba sa. Cho nên, đừng thờ ơ vấn đề chất lượng sản phẩm. Cần biết rằng nói lợi thế con cá ba sa cạnh tranh là phải nhờ sự khác biệt. Nhưng hiện nay, sản phẩm cá ba sa vô cùng nghèo nàn.

TS. Võ Hùng Dũng phân tích, trong 4 kịch bản nằm trong Kế hoạch Châu thổ- Chương trình thiên niên kỷ tới năm 2100, kịch bản thứ 3 “Công nghiệp hóa nông nghiệp”, trong đó, lựa chọn các phương án đất của vùng ngập lũ, đất ven biển, đất trồng cây ăn trái, đất trồng lúa... để tận dụng lợi thế so sánh về đất đai và hướng nông nghiệp gắn với chế biến thị trường và các dịch vụ tiêu thụ hàng hóa.

Đây là kịch bản tốt trong ngắn hạn và trung hạn. Còn kịch bản “Công nghiệp hóa nút kép” là kịch bản tốt nhất đang được triển khai. Theo đó, sẽ hình thành trung tâm công nghiệp ở khu vực Cần Thơ để đối trọng với khu vực TP Hồ Chí Minh. Hiện Ngân hàng Thế giới đã tài trợ rất lớn để nâng cấp đô thị cho TP Cần Thơ để phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

TS. Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay của ĐBSCL là tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm, tình trạng suy giảm dân số và nhiều chỉ số phát triển thấp hơn trung bình của cả nước. Đồng thời, tình trạng biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, thiếu nguồn tài nguyên nước... là những vấn đề rất đáng lo ngại trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: LÝ AN