Sẽ bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm

Cập nhật, 08:33, Thứ Năm, 14/09/2017 (GMT+7)

Theo Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy về “tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, từ nay đến năm 2020, Vĩnh Long sẽ cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Tỉnh sẽ bảo đảm sự bình đẳng giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Tỉnh sẽ bảo đảm sự bình đẳng giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Đã hoàn thành cổ phần hóa 2/3 DNNN

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về “tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN”, thời gian qua tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các phương án tổng thể về đổi mới, sắp xếp DNNN và đề án sắp xếp, đổi mới công ty 100% vốn nhà nước.

Đến cuối năm 2015, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa 13/16 DNNN và hoàn thành thủ tục bàn giao cho Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý.

Thực hiện lộ trình cổ phần hóa DNNN theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt, đến cuối năm 2016, tỉnh đã thực hiện và hoàn thành cổ phần hóa 2/3 DNNN (Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long và Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 1 DNNN là Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và không thực hiện cổ phần hóa.

Theo đánh giá, các DNNN sau khi sắp xếp, đổi mới đã thích ứng được với cơ chế thị trường, tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và hoạt động có hiệu quả.

Các DN có góp vốn của Nhà nước trên địa bàn tỉnh đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn sau thực hiện cổ phần hóa là hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN vẫn còn thấp, mức đóng góp chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, cụ thể thực hiện yêu cầu đổi mới cơ chế quản trị, tăng cường công khai, minh bạch thông tin còn hạn chế.

Việc triển khai cơ cấu lại DNNN, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chậm so với tiến độ đề ra, hiện vẫn còn 1 DN chưa hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa còn gặp khó khăn, vướng mắc về định giá đất đai, tài sản; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và DN có vốn nhà nước chưa hiệu quả, chưa phân định rõ ràng chức năng của chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước.

Sẽ bán vốn tại DN mà Nhà nước không cần nắm

Theo Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN.

Mục đích để DNNN giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể, tiếp tục cơ cấu lại, duy trì 100% vốn nhà nước tại Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, hoàn thành công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình trước năm 2020 (sau khi dự án đầu tư xây dựng khách sạn hoàn thành đi vào hoạt động).

Thực hiện bán cổ phần nhà nước tại Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long và Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, đến năm 2020, giảm cổ phần nhà nước tại 2 công ty này còn dưới 49% vốn điều lệ.

Tại hội nghị triển khai chương trình hành động này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cho rằng: Để thực hiện tốt mục tiêu trên, cần thực hiện nhiều giải pháp động bộ.

Theo đó, các DNNN tổ chức thực hiện đúng lộ trình bán cổ phần, thoái vốn nhà nước theo đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tối đa hóa giá trị bán vốn nhà nước theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, DN cổ phần hóa phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong thời hạn 1 năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. DN cổ phần hóa chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật phải lập và triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong thời hạn xác định theo quy định.

Theo ông Lê Quang Trung, tỉnh sẽ rà soát đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư của DNNN, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành dự án để sớm thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Cơ cấu lại DNNN trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Trong quá trình thực hiện, sẽ áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị DN được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

 

Trong quá trình thực hiện, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, đào tạo, chuyển đổi nghề và xử lý lao động dôi dư hợp lý, bảo đảm công bằng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp, phù hợp nguyện vọng của người lao động, đặc biệt là lao động dôi dư, để ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, bảo đảm sự bình đẳng giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế...

Bài, ảnh: BÙI THANH