Góc nhìn

Từ chuyện giải cứu nông sản...

Cập nhật, 10:12, Thứ Ba, 12/09/2017 (GMT+7)

Mấy ngày nay, heo hơi lại quay đầu rớt giá, chỉ còn 2,6- 2,7 triệu đồng/tạ. Nhưng đó cũng chưa phải là duy nhất, khi mà từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản khác cũng ùn ứ đầu ra, rớt giá thảm hại, buộc xã hội phải chung tay “giải cứu”.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa như nước ta lại thường xuyên va vấp thị trường, trong khi chúng ta có đầy đủ các bộ phận chuyên môn, hiệp hội ngành nghề và các cơ quan từ trung ương đến địa phương?

Thực tế cho thấy, tình trạng trên là do sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, hàng hóa nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian.

Người sản xuất thường bị ép giá, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao. Nhất là việc nắm không rõ thông tin về thị trường là nguyên nhân dễ thấy dẫn tới tình trạng nói trên. Nông dân thấy giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng mà ít quan tâm đến nhu cầu thị trường như thế nào, hàng hóa mình bán đi đâu.

Đáng nói hơn, các giải pháp quy hoạch, liên kết được ngành chức năng kêu gọi thực hiện thời gian qua vẫn chưa giải quyết thỏa đáng.

Tình trạng này không dễ để khắc phục trong ngày một ngày hai. Về lâu dài, sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân dưới hình thức các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp với những hợp đồng làm ăn bài bản là hướng đi tất yếu.

Câu chuyện “giải cứu” đàn heo chính là giọt nước tràn ly của sản xuất bấp bênh. Việc “giải cứu” tìm đầu ra cho nông sản ế chỉ là giải pháp trước mắt, ngay bây giờ, ngành chức năng phải có sự sắp xếp chủ động cung- cầu và những giải pháp lâu dài, bền vững; cần “bán cái thị trường cần, chứ đừng bán cái mình có” như thời gian qua.

HOÀNG MINH