Câu chuyện nông thôn

Cần "điểm tựa" cho tư duy sản xuất mới

Cập nhật, 10:59, Thứ Tư, 13/09/2017 (GMT+7)

Việc nông dân trong Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất đã cho thấy nhiều cái lợi.

Từ hơn 2 năm trước, đề án sản xuất lúa không dùng phân thuốc hóa học mà thay thế bằng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng phân bón hữu cơ… tưởng chừng không làm được.

Nhiều hộ quen phân thuốc hóa học: rải hôm trước hôm sau lúa lên xanh; thuốc trừ cỏ xịt phía trước phía sau đã quéo đọt, sâu lăn đùng ra chết tươi.

Trong khi phân bón hữu cơ cần có thời gian cho cây lúa hấp thu, mà lúa cũng không xanh um tùm. Nhiều bà con sợ lúa thất, nửa đêm lén ra đồng xịt thuốc hóa học, ai dè “bị phát hiện”. Đó chỉ là do bà con chưa tin tưởng.

Thực tế sản xuất qua 4 vụ lúa cho thấy, sản phẩm lúa sử dụng phân thuốc hữu cơ chất lượng tốt, an toàn cho người tiêu dùng, dù năng suất có thấp chút đỉnh, nhưng doanh nghiệp bao tiêu và mua giá gấp đôi lúa thường.

Bà con phấn khởi, HTX tiếp tục vận động xả lũ, làm lúa 2 vụ/năm, để bảo vệ thiên địch và môi trường. Ban đầu có người dùng dằng chưa chịu “lấy tiền đâu tui đóng hụi mùa”, “nhà tui lấy lúa đâu ăn”… Nhưng khi nước tràn đồng, con cá, cua về đồng nhiều hơn, bà con thấy được cái lợi của sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Những người đi đầu vận động làm lúa hữu cơ, áp dụng biện pháp thân thiện môi trường bảo rằng “làm gì cũng trần thân”, nhưng vì nền sản xuất bền vững khó mấy cũng phải làm.

Một tư duy sản xuất mới, cách nghĩ mới cần có thời gian và thực tiễn sản xuất kiểm chứng. Vấn đề là những người “đứng mũi chịu sào” phải dám làm, dám hành động và quan trọng là “điểm tựa” từ chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ.

AN HƯƠNG